Thứ 2 - Thứ 7 (09am - 10pm)

+84-24-6297-7875

Chủ quan với bệnh mạch vành, hậu quả khó lường

Bệnh mạch vành sẽ gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm như suy tim, nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp tim.. nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Bệnh nhân bị xơ vữa động mạch vành thường sẽ cảm thấy đau tức ngực, cảm giác ngực bị bóp nghẹt, khó thở, tình trạng này không được điều trị sớm sẽ có thể cướp đi tính mạng người bệnh bất cứ lúc nào.

PGS.TS Nguyễn Hữu Ước trong một buổi tư vấn trực tuyến với bệnh nhân mắc bệnh mạch vành, đau thắt ngực chia sẻ :

“Bệnh mạch vành tốt nhất không nên để xảy ra biến chứng, nếu xảy ra biến chứng đặc biệt là nhồi máu cơ tim cấp sẽ rất nguy hiểm.  Lúc đó nếu kịp thời cấp cứu thì có thể cứu được một số trường hợp, nhưng tình huống cấp cứu đòi hỏi phải khẩn trương”- PGS.TS Nguyễn Hữu Ước nhấn mạnh.

Chủ quan với bệnh mạch vành


PGS.TS Nguyễn Hữu Ước – Giám đốc Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực, BV Việt Đức đang tư vấn cho bệnh nhân

PGS.TS Nguyễn Hữu Ước – Giám đốc Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực, BV Việt Đức cho biết, trên thực tế lâu nay, nhiều người bệnh tuối từ 50- 60 tuổi khi đến BV Việt Đức phẫu thuật đều ít khi nghĩ đến mình có bệnh lý mạch vành nên không cần kiểm tra, tuy nhiên không ít người trong số đó mắc bệnh mà không biết. Chính vì vậy họ cũng không trao đổi với bác sĩ để cùng đánh giá, đề phòng những nguy cơ có thể xảy ra trong quá trình phẫu thuật bệnh lý.

PGS.TS Nguyễn Hữu Ước cho biết, đau thắt ngực là triệu chứng thường gặp và điển hình của bệnh động mạch vành. Bệnh động mạch vành là căn bệnh nguy hiểm, nếu không được phát hiện và được điều trị can thiệp kịp thời sẽ dẫn đến nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp tim, suy tim và đột tử.

Vì vậy PGS.TS Nguyễn Hữu Ước khuyến cáo, mỗi người cần thực hiện lối sống lành mạnh, đi kiểm tra sức khỏe đều đặn, đặc biệt khi có các triệu chứng bệnh để kịp thời phát hiện và điều trị bệnh.

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, ngày nay với tiến bộ của xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh, bệnh động mạch vành được chẩn đoán sớm và mang lại hiệu quả cao trong phát hiện, phòng ngừa và xử trí bệnh: Điện tâm đồ, Đo điện tâm đồ gắng sức, Siêu âm tim, Chụp cắt lớp vi tính đa dãy động mạch vành, Chụp cộng hưởng từ tim, Chụp động mạch vành qua da.

Mới đây, tại Trung tâm tim mạch lồng ngực tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân ngoài 60 tuổi ở Lai Châu được chuyển từ Khoa Phẫu thuật Cột sống sang để xử lý bệnh mạch vành vì qua làm các xét nghiệm cận lâm sàng các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị bệnh mạch vành.

Qua khai thác bệnh sử chúng tôi được biết, bệnh nhân bị đau lưng nhiều năm nay kèm các bệnh lý khác, bệnh nhân đã đi khám nhiều nơi nhưng không nghĩ mình bị mắc bệnh lý tim mạch nên chưa khám chuyên khoa tim mạch bao giờ! Mãi đến lần quyết định đi mổ cột sống này mới phát hiện ra bệnh”- PGS.TS Nguyễn Hữu Ước cho biết.

Chính vì vậy thay vì mổ cột sống ngay thời điểm đó, bệnh nhân đã được các bác sĩ tim mạch khuyến cáo cần xử lý bệnh mạch vành trước để tránh biến chứng nguy hiểm cho bệnh nhân. Bệnh nhân đã được can thiệp đặt 2 sten trong 2 lần cho bệnh nhân.

Trước đó, một bệnh nhân khác mới 57 tuổi đến khám sàng lọc sức khoẻ, điều đáng nói bệnh nhân này có tiền sử sức khoẻ tốt, gần đây đi lại hơi tức ngực nên đã đi khám sàng lọc. Bác sĩ thấy nghi ngờ nên đã chỉ định cho bệnh nhân chụp bằng máy chụp 256 lớp. Kết quả chụp cho thấy, bệnh nhân bị hẹp động mạch vành khít.

“Với trường hợp bệnh nhân này phải đối mặt với nhiều nguy cơ cao về sức khoẻ, do bệnh nhân không biết mình có bệnh mạch vành nên không có biện pháp dự phòng là sử dụng thuốc chống đông mà vẫn luyện tập thể thao gắng sức, đi du lịch, đi công tác xa… nên dễ rất đến nguy cơ nhồi máu cơn tim”- PGS.TS Nguyễn Hữu Ước cảnh báo.

Vì vậy, những người mắc bệnh mạch vành hoặc có nguy cơ mắc bệnh cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ và điều trị dự phòng với thuốc thích hợp.


Chia sẻ bài viết lên


Tin liên quan