Thứ 2 - Thứ 7 (09am - 10pm)

+84-24-6297-7875

Dự phòng lây nhiễm viêm gan B từ mẹ sang con sớm

Bệnh viêm gan B là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus viêm gan B gây ra. Việt Nam là nước thuộc vùng có tỷ lệ lưu hành bệnh viêm gan B cao. Tỷ lệ lưu hành HbsAg của Việt Nam là 10-20%. Một số nghiên cứu cho thấy tỷ lệ HbsAg ở phụ nữ có thai >10%. Trẻ sơ sinh có nguy cơ lây nhiễm khi sinh từ 10% đến 90% nếu mẹ bị nhiễm viêm gan B. Đây là đường lây nhiễm nguy hiểm nhất. Nếu trẻ sơ sinh bị lây nhiễm virus viêm gan B từ mẹ sẽ có nguy cơ trở thành bệnh mãn tính là 90% và khoảng 25% trong số đó sẽ có nguy cơ bị ung thư gan và xơ gan.

Dự phòng lây nhiễm viêm gan B từ mẹ sang con sớm-1

Dự phòng lây nhiễm viêm gan B từ mẹ sang con sớm

Viêm gan B là gì?

Viêm gan B là căn bệnh truyền nhiễm gây ra bởi virus viêm gan B (HBV). Bệnh ảnh hưởng lớn đến hoạt động của gan, có thể gây nhiễm trùng gan hay thậm chí là đe doạ đến tính mạng. Hiện nay, virus viêm gan B vẫn là mối đe doạ lớn đến sức khoẻ toàn cầu. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện có hơn 2 tỷ người đã nhiễm bệnh với khoảng 400 triệu người trên thế giới mắc viêm gan B mãn tính, với 1,5 triệu ca nhiễm mới mỗi năm. Ở Việt Nam, số người nhiễm virus viêm gan B chiếm khoảng 20% dân số.

Viêm gan B mạn tính chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến suy gan, xơ gan, ung thư gan. Viêm gan B có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào.

Viêm gan B lây truyền như thế nào?

Viêm gan B lây qua tiếp xúc trực tiếp với dịch cơ thể như máu, dịch âm đạo, tinh dịch của người bị nhiễm bệnh. Việc lây nhiễm có thể xảy ra khi quan hệ tình dục không được bảo vệ; qua việc hiến máu không được sàng lọc; dùng chung bơm kim tiêm. Nhất là khi mẹ bị nhiễm bệnh viêm gan B thì trẻ có thể bị nhiễm bệnh khi sinh. Bệnh cũng có thể lây qua vật dụng cá nhân (như bàn chải đánh răng, dao cạo râu, kìm bấm móng…) nếu sử dụng chung. Viêm gan B không lây qua sữa mẹ, không lây qua tiếp xúc thông thường như dùng chung dụng cụ ăn uống, ôm, hôn, bắt tay.

Xem thêm: Cách phòng tránh viêm gan B hiệu quả

Viêm gan B có chữa được không?

Dự phòng lây nhiễm viêm gan B từ mẹ sang con sớm-2

Viêm gan B có chữa được không?

Viêm gan B có thuốc điều trị nhằm làm giảm số lượng virus, giảm tốc độ tiến triển bệnh, giảm biến chứng xơ gan và ung thư gan. Có vaccine ngăn ngừa viêm gan B. Người mới tiếp xúc với virus viêm gan B mà chưa tiêm vaccine thì có thể tiêm 1 liều huyết thanh miễn dịch chống viêm gan B và vaccine càng sớm càng tốt để ngừa lây nhiễm.

Khoảng 90% thai phụ nhiễm viêm gan siêu vi cấp sẽ lây truyền cho thai. Từ 10% đến 20% thai phụ viêm gan B mạn tính sẽ lây cho thai.

Viêm gan B ảnh hưởng đến thai nhi như thế nào?

Nhiễm trùng viêm gan B có thể ảnh hưởng nặng đến trẻ, đe doạ cuộc sống của trẻ. Trẻ bị nhiễm có nguy cơ cao đến 90% thành người nhiễm viêm gan B mạn tính. Trẻ cũng có thể lây cho người khác. Khi trưởng thành, có 25% nguy cơ tử vong vì xơ gan hoặc ung thư gan.

Một số câu hỏi bà mẹ thắc mắc

-Làm thế nào để tôi biết mình bị nhiễm viêm gan B?

Việc phát hiện nhiễm virus viêm gan B được thực hiện bằng xét nghiệm máu

-Viêm gan B có ảnh hưởng đến cách sinh hay không?

KHÔNG. Bạn có thể sinh ngả âm đạo cho dù bạn nhiễm viêm gan B

-Nếu tôi bị viêm gan B, tôi có cho trẻ bú sữa mẹ được không?

ĐƯỢC. Bạn vẫn cho bé bú mẹ cho dù bạn nhiễm viêm gan B

-Nếu tôi bị nhiễm viêm gan B thì làm cách nào con tôi không bị nhiễm?

Bạn cần đi khám chuyên khoa để được điều trị bệnh và điều trị dự phòng lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con. Trong 24 giờ sau sinh, con của bạn sẽ được tiêm liều vaccine viêm gan B đầu tiên cùng với một liều huyết thanh miễn dịch. Sau đó sẽ tiêm 3 liều vaccine nữa. Sau khi hoàn tất đợt tiêm vaccine thì con bạn sẽ được kiểm tra xem có nhiễm viêm gan B không.

-Nếu tôi bị nhiễm viêm gan B thì khi nào con tôi được tiêm ngừa viêm gan B?

Tất cả trẻ nên được tiêm phòng vaccine viêm gan B trong vòng 24 giờ sau sinh và 3 liều vaccine sẽ được tiêm sau đó.

Các bước thai phụ cần biết về viêm gan B khi đi khám thai

Bước 1: Ở lần khám thai đầu tiên, thai phụ sẽ được tư vấn làm xét nghiệm viêm gan B

Bước 2: Trong trường hợp kết quả dương tính, thai phụ sẽ được chuyển đến cơ sở có khả năng chăm sóc và điều trị viêm gan B cho thai phụ đồng thời áp dụng các biện pháp dự phòng lây nhiễm viêm gan B từ mẹ sang con.

Bước 3: Khi trẻ sinh ra

-Đối với trẻ được sinh ra từ mẹ nhiễm viêm gan B, trẻ cần được tiêm vaccine viêm gan B liều đầu và huyết thanh miễn dịch trong 24 giờ đầu sau sinh. Sau đó, trẻ sẽ được tiêm các mũi vaccine viêm gan B theo chương trình tiêm chủng mở rộng.

-Đối với trẻ  sinh ra từ mẹ không nhiễm viêm gan B, khi trẻ đủ 12 tháng tuổi, cần đưa trẻ đi xét nghiệm viêm gan B tại các cơ sở y tế.

Bài viết trên đây đã cung cấp đến bạn đọc về dự phòng lây nhiễm viêm gan B từ mẹ sang con sớm. Các bà mẹ nên đọc và áp dụng để có sức khoẻ tốt nhất cho con mình.

Xem thêm: Viêm gan B mãn tính có khỏi được không?


Chia sẻ bài viết lên


Tin liên quan