Thứ 2 - Thứ 7 (09am - 10pm)

+84-24-6297-7875

Thoái hóa khớp gối - nỗi ám ảnh của người cao tuổi

Thoái hóa khớp gối là căn bệnh nguy hiểm có khả năng biến chứng gây tàn phế cho người cao tuổi đứng thứ hai trên thế giới với tỷ lệ tàn tật lên đến 25%.

Vấn đề điều trị bệnh càng được quan tâm khi bệnh đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa.

Thoái hóa khớp gối là bệnh mạn tính, thường tiến triển chậm. Nếu không được điều trị kịp thời, thoái hóa khớp có thể thúc đẩy sự hình thành của gai xương trên khớp gối dẫn đến bệnh gai khớp gối, đồng thời gây ra các biến chứng nguy hiểm như teo cơ, bại liệt, tàn phế...

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây thoái hóa khớp được chia thành 2 loại: thoái hóa khớp nguyên phát và thứ phát.

Thoái hoá khớp nguyên phát là nguyên nhân chính, xuất hiện muộn, thường ở người sau 60 tuổi, có thể ở một hoặc nhiều khớp, tiến triển chậm. Ngoài ra, có thể có yếu tố di truyền, yếu tố nội tiết và chuyển hóa (mãn kinh, đái tháo đường...) có thể gia tăng tình trạng thoái hóa.

Thoái hóa khớp thứ phát là bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, nguyên nhân có thể do sau các chấn thương khiến trục khớp thay đổi (gãy xương khớp, can lệch...); Các bất thường trục khớp gối bẩm sinh: khớp gối quay ra ngoài; khớp gối quay vào trong; khớp gối quá duỗi hoặc sau các tổn thương viêm khác tại khớp gối (viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, lao khớp, viêm mủ, bệnh gút, chảy máu trong khớp - bệnh Hemophilie...).

Thoái hóa khớp gối đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa.

Thoái hóa khớp gối đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa.

Triệu chứng chính của bệnh

Người bệnh thường có cảm giác đau nhức ở vùng khớp gối và cơn đau tăng dần lên mỗi khi hoạt động hoặc di chuyển khiến bệnh nhân phải tìm đủ mọi cách để giảm đau. Đặc biệt, cứng khớp buổi sáng là tình trạng khi ngủ dậy, bệnh nhân thấy các khớp của mình cứng, vận động khó, phải tập luyện gấp duỗi một lúc khớp mới vận động dễ dàng hơn. Thời gian cứng khớp thường dưới 30 phút. Ngoài các triệu chứng trên, bệnh nhân có thể thấy lạo xạo khớp khi cử động, giai đoạn nặng có thể có biến dạng khớp, hạn chế vận động hoặc mất vận động khớp.

Khi đến thăm khám, bác sĩ thường cho chụp Xquang xương khớp để phát hiện các tổn thương thoái hóa khớp như hẹp khe khớp, gai xương ở rìa, đặc xương dưới sụn... Ngoài ra, các bác sĩ có thể làm thêm các xét nghiệm máu (huyết học, sinh hóa, miễn dịch) hoặc xét nghiệm dịch khớp, chụp cộng hưởng từ khớp, siêu âm khớp để giúp khẳng định chẩn đoán hoặc chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý khác của khớp.

Ở giai đoạn nhẹ, thoái hóa khớp gối có thể điều trị nội khoa. Tuy nhiên, khi bệnh tiến triển đến giai đoạn 3-4 sẽ buộc phải thay khớp gối do không thể đi lại hoặc đi lại rất đau đớn.

Biến chứng nguy hiểm của thoái hóa khớp gối

Đau nhức dai dẳng: Đau là triệu chứng đầu tiên và cũng là triệu chứng kéo dài xuyên suốt quá trình bị bệnh. Càng ngày, các cơn đau càng nhiều hơn, nhức nhối hơn, dai dẳng hơn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt, vận động và tâm lý của người bệnh...

Gối bị biến dạng: Thoái hóa khớp gối kéo dài làm cho khớp và sụn bị xơ vữa, gối thường có hiện tượng sưng to, biến dạng, đau nhức.

Không thể đi lại bình thường: Người bị thoái hóa khớp gối không thể đứng thẳng như bình thường, thậm chí đi có thể tập tễnh.

Teo cơ, liệt: Các cơ từ gối trở xuống sẽ dần có cảm giác yếu hơn, người bệnh khi đi lại có cảm giác run chân, dần dần chân đứng không vững; cơ có hiện tượng bị teo, người bệnh rơi vào tình trạng liệt...

Điều trị thế nào?

Hiện nay, có nhiều phương pháp điều trị thoái hóa khớp gối, trong đó có thể kể đến các phương pháp mà người bệnh có thể không cần dùng thuốc như: giảm cân, vận động hợp lý, tập luyện phục hồi chức năng. Ngoài ra, người bệnh có thể được điều trị bằng các loại thuốc giảm đau, chống viêm, một số thuốc chống thoái hóa khớp có tác dụng chậm. Phương pháp điều trị bằng can thiệp ngoại khoa như: Điều trị nội soi khớp (rửa khớp, loại bỏ các thành phần ngoại lai trong khớp...); Phẫu thuật thay khớp gối trong những trường hợp nặng, điều trị nội khoa và nội soi khớp không hiệu quả.

Lời khuyên của thầy thuốc

Ðể phòng bệnh thoái hóa khớp gối, người cao tuổi nên có chế độ sinh hoạt hợp lý (ăn, uống, đi lại, tập luyện...) tùy theo điều kiện của mỗi người. Nên có chế độ sinh hoạt và tập luyện nhẹ nhàng như chơi thể thao, đi bộ, bơi..., hạn chế mang vác nặng, làm các động tác quá sức. Ngoài ra, cần có chế độ ăn uống hợp lý để tránh béo phì, thực hiện giảm cân nếu thừa cân, đồng thời cần có chế độ bổ sung vi chất, uống các thực phẩm bổ trợ xương khớp như calcium, glucosamine sulfate, vitamin D, vitamin nhóm B...

Trong đợt tiến triển của thoái hóa khớp, bệnh nhân đau nhiều cần phải dùng các biện pháp giảm đau. Tuy nhiên, người bệnh nên đến khám tại các cơ sở khám chữa bệnh có uy tín, có bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp để được kê đơn thuốc giảm đau đúng chỉ định.

 

BS. Trần Trung Anh (suckhoedoisong.vn)


Chia sẻ bài viết lên


Tin liên quan