Thứ 2 - Thứ 7 (09am - 10pm)

+84-24-6297-7875

[TÌM HIỂU] Các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ não

Đột quỵ là một trong những bệnh lý nguy hiểm. Theo WHO, đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3 chỉ sau bệnh lý tim mạch và ung thư ở các nước phát triển. Việc hiểu rõ các yếu tố nguy cơ gây bệnh sẽ giúp kiểm soát và hạn chế nguy cơ đột quỵ. Trong bài viết dưới đây, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về nội dung này.

Các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ não-1

Có nhiều yếu tố nguy cơ gây đột quỵ não

Các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ não

Có 2 nhóm yếu tố nguy cơ gây đột quỵ đó là các yếu tố nguy cơ không thể thay đổi và các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi. Chúng ta có thể phòng ngừa đột quỵ bởi lẽ phần lớn các yếu tố nguy cơ là có thể tác động vào để thay đổi.

Các yếu tố nguy cơ không thể thay đổi

- Tuổi tác: Phần lớn đột quỵ gặp ở những người từ 45 tuổi) 

- Giới tính: Bệnh hay gặp ở nam nhiều hơn nữ giới.

- Chủng tộc.

- Di truyền…

Các yếu tố nguy cơ thay đổi được

-Tăng huyết áp

Tăng huyết áp là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu gây đột quỵ não, chiếm đến 70% tổng số bệnh nhân đột quỵ. Huyết áp tăng cao gây ra những tổn thương thành mạch máu, tạo các điểm yếu ở thành mạch. Các điểm yếu bị tổn thương tiến triển nặng dần theo thời gian và đến một lúc nào đó sẽ vỡ ra và gây đột quỵ xuất huyết não.

Tăng huyết áp là nguyên nhân gây xơ vữa động mạch. Các mảng xơ vữa gây chít hẹp lòng mạch, cản trở dòng máu lưu thông, gây đột quỵ nhồi máu não. Có những nghiên cứu cho thấy, điều trị huyết áp ở bệnh nhân bị đột quỵ do tăng huyết áp sẽ làm giảm tần suất tái phát đột quỵ và giảm di chứng do đột quỵ gây ra.

-Đái tháo đường

Đái tháo đường gây tổn thương toàn bộ hệ thống động mạch (trong đó bao gồm cả động mạch não). Đái tháo đường làm tăng tỷ lệ mắc đột quỵ từ 2-6,5 lần và tăng tỷ lệ tử vong lên 2 lần. Tuy nhiên, triệu chứng biểu hiện bệnh đái tháo đường ở giai đoạn sớm thường rất mờ nhạt hoặc hầu như không có. Một số ít bệnh nhân có biểu hiện uống nhiều, ăn nhiều, gầy sút cân nhanh. Chính vì vậy, người trên 40 tuổi nên định kỳ xét nghiệm đường máu để có thể phát hiện bệnh sớm.

-Rối loạn lipid máu

Khi hàm lượng lipid máu quá cao sẽ là điều kiện thuận lợi để lipid ngấm vào và lắng đọng ở thành mạch máu. Đây chính là giai đoạn đầu tiên của quá trình hình thành mảng xơ vữa động mạch. Trước đây quan niệm rối loạn lipid máu là khi tổng lượng lipid máu tăng cao (cholesterol và/hoặc triglycerid). Nhưng hiện nay đã có nghiên cứu cho thấy, sự rối loạn về thành phần phức bộ lipid máu cũng quan trọng không kém tổng lượng lipid máu tăng cao.

Lipid chính là thành phần quan trọng để các mô, tế bào trong cơ thể tồn tại và phát triển. Theo đó, lipid trong cơ thể gồm 2 nhóm: nội sinh do cơ thể sinh ra và ngoại sinh do thức ăn cung cấp. Ở trong máu, lipid không tan được nên cần phải liên kết với các protein để tạo thành lipoprotein. Có 3 loại lipoprotein là Lipoprotein tỷ trọng cao (HDL) hay còn gọi là cholesterol “tốt”; Lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL) còn gọi là cholesterol “xấu”; Lipoprotein tỷ trọng rất thấp (VLDL). Khi xét nghiệm thấy LDL-C tăng cao tức là có liên quan nhiều nhất đến nguy cơ xơ vữa động mạch và biến cố tim mạch. Nếu tăng triglyceride đơn độc cũng là yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch.

Có thể bạn quan tâm

 - Tăng huyết áp: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

- Phòng ngừa đột quỵ nhờ các thực phẩm rẻ tiền

-Xơ vữa động mạch

Xơ vữa động mạch là yếu tố nguy cơ gây đột quỵ não

Xơ vữa động mạch là một trong những yếu tố nguy cơ gây đột quỵ não

Mảng xơ vữa trong lòng động mạch sẽ làm chít hẹp dần lòng mạch và có thể gây tắc mạch. Nhiều trường hợp mảng vữa xơ bong ra và trôi theo dòng máu, đến gây tắc ở vị trí mạch máu khác. Chính vì vậy, cần điều trị ổn định mảng vữa.

-Béo phì

Béo phì chính là yếu tố thuận lợi gây tăng huyết áp, rối loạn lipid và tăng glucose máu. Tất cả các yếu tố này kết hợp lại sẽ làm tăng nguy cơ của bệnh tim mạch.

-Hút thuốc lá

Gây tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, tối loạn nhịp tim và đột quỵ.

-Uống nhiều rượu

Uống nhiều rượu là nguyên nhân gây tăng huyết áp và xơ vữa động mạch. Ngoài ra, uống nhiều rượu trong một thời gian dài còn có thể gây tổn thương gan, suy gan gây rối loạn đông máu. Chính vì vậy, người uống rượu nhiều có nguy cơ cao bị đột quỵ chảy máu não. Bên cạnh đó, khi bị đột quỵ thường rất nặng nề.

-Phình động mạch não

Đây là nguyên nhân tương đối phổ biến gây đột quỵ chảy máu não ở người trẻ. Phình động mạch não gặp ở 1-2% dân số và có khoảng 10% bệnh nhân bị phình động mạch não tử vong trước khi đến bệnh viện.

Đặc biệt, phình động mạch thường diễn biến âm thầm không triệu chứng. Trong vòng 2-3 ngày trước khi phình động mạch não vỡ, khoảng ½ số bệnh nhân có các triệu chứng như đau đầu đột ngột, dữ dội. Sau đó triệu chứng đau đầu giảm dần.

-Dị dạng động- tĩnh mạch não

Đây là bệnh bẩm sinh, hình thành một đám rối mạch máu bất thường trong não, nối thông giữa động mạch và tĩnh mạch não. Ở vị trí dị dạng, mạch máu dị dạng có hình dạng và cấu trúc bất thường và rất dễ bị vỡ ra gây chảy máu não. Đa số có diễn biến âm thầm. Ở một số ít bệnh nhân có biểu hiện co giật, động kinh, đau đầu kéo dài.

-Bệnh tim

Bệnh van tim (hở van hai lá, hẹp van hai lá, hở van động mạch chủ), rối loạn nhịp tim (cuồng nhĩ, rung nhĩ, nhịp nhanh kịch phát trên thất). Ở các bệnh lý này, máu dễ vón cục tạo cục máu đông trong tâm nhĩ, dẫn đến tắc mạch não gây đột quỵ. Do đó, quan trọng là cần dùng thuốc để đề phòng cục máu đông (huyết khối) ở bệnh van tim.

Hạn chế các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được sẽ là cách giúp chúng ta phòng ngừa đột quỵ hiệu quả. Bên cạnh đó, lối sống lành mạnh, ăn uống điều độ và tập thể dục thường xuyên cũng là cách giúp giảm thiểu các nguy cơ bệnh tật.


Chia sẻ bài viết lên


Tin liên quan