Thứ 2 - Thứ 7 (09am - 10pm)

+84-24-6297-7875

[TÌM HIỂU] Cách phòng bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp khi giao mùa

Nhiễm khuẩn đường hô hấp là bệnh lý thường gặp trong lúc thời tiết giao mùa. Có một số bệnh hô hấp mặc dù đơn giản nhưng việc điều trị lại không dễ do tình trạng lạm dụng kháng sinh dẫn đến kháng thuốc, gây khó khăn trong điều trị. Từ đó gây ra những biến chứng nguy hiểm.

Nhiễm khuẩn đường hô hấp-1

Cách phòng bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp khi giao mùa

Các yếu tố nguy cơ gây bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp

- Yếu tố cơ địa

Những người có các yếu tố sau sẽ dễ mắc nhiễm khuẩn đường hô hấp: trẻ đẻ non, nhẹ cân hay trẻ không được bú sữa mẹ; trẻ suy dinh dưỡng, còi xương; trẻ mắc bệnh tim, phổi bẩm sinh; những người suy giảm miễn dịch; mắc các bệnh lý mãn tính.

- Yếu tố môi trường

Những người hút thuốc lào, thuốc lá hoặc người sống trong môi trường tiếp xúc với khói thuốc lá, thuốc lào; những người nghiện rượu; môi trường sống ô nhiễm khói bụi; nơi ở chật chội, ẩm thấp…Người có chế độ dinh dưỡng kém, lao động nặng nhọc cũng rất dễ mắc nhiễm khuẩn đường hô hấp.

Những bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp bao gồm: nhiễm khuẩn đường hô hấp trên như viêm xoang, viêm mũi, viêm họng, viêm thanh quản cấp. Nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới như viêm phế quản cấp; giãn phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn, viêm phổi cấp.

Những dấu hiệu đặc trưng khi bị nhiễm khuẩn đường hô hấp

Sốt, sổ mũi, hắt hơi, ho, khạc đờm, ngứa họng, đau họng khi nuốt, nói khàn…là những triệu chứng đặc trưng của nhiễm khuẩn đường hô hấp. Bên cạnh đó, có thể kèm theo khạc đờm: đờm có thể trong, hay ban đầu đờm trong sau đó chuyển sang vàng, xanh….Ở trẻ em có thể xuất hiện khó thở hay nặng hơn có thể xuất hiện dấu hiệu tím môi, đầu chi; vật vã kích thích, vã mồ hôi. Khi khám thực tế thường thấy niêm mạc mũi, họng sung huyết, viêm đỏ, nề, tăng tiết nhầy, amidan sưng to hoặc có hốc mủ…Khi xét nghiệm công thức máu có thể thấy thay đổi số lượng và công thức bạch cầu. Nhiễm khuẩn đường hô hấp trên nếu không được phát hiện và điều trị sớm, đúng cách có thể dẫn đến nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới, gây ra những biến chứng nguy hiểm.

Nhiễm khuẩn đường hô hấp-2

Hắt hơi, sổ mũi, ho, khạc đờm…là triệu chứng đặc trưng của nhiễm khuẩn đường hô hấp trên

Các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới đa dạng với triệu chứng phổ biến như ho, sốt, khạc đờm, khó thở và đau ngực. Đặc điểm đờm sẽ tuỳ theo bệnh và căn nguyên vi sinh gây bệnh: viêm phế quản cấp thường gặp khạc đờm ở giai đoạn viêm long; viêm phế quản mạn, bệnh phổi tắc nghẽn và giãn phế quản đợt cấp thường gặp số lượng đờm tăng và thay đổi màu sắc đờm; căn nguyên của nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới do virus thường khạc đờm trong, căn nguyên do vi khuẩn thường khạc đờm đục và có màu sắc khác nhau.

Các biến chứng của nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới có thể gặp như suy hô hấp, tràn dịch, tràn khí màng phổi, truỵ tim mạch…

Xem thêm: Cảnh báo bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính ở trẻ em

Không tự ý sử dụng kháng sinh trong điều trị nhiễm khuẩn đường hô hấp

-Đối với nhiễm khuẩn đường hô hấp trên

Nếu định hướng đến căn nguyên do virus thì thường chỉ điều trị các triệu chứng. Trường hợp nhiễm khuẩn mới cần dùng kháng sinh. Đặc biệt, không tự ý sử dụng kháng sinh khi chưa có chỉ định của thầy thuốc. Cần chú ý điều trị các triệu chứng như hạ sốt, điều trị nghẹt mũi, bổ sung nước điện giải và có chế độ dinh dưỡng tốt. Nếu bệnh nhẹ có thể điều trị tại nhà theo hướng dẫn của thầy thuốc. Cần theo dõi sát những diễn biến của bệnh, nếu bệnh nặng cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được điều trị và xử lý kịp thời.

-Đối với nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới

Lựa chọn kháng sinh trên lâm sàng thường dựa vào đặc điểm lâm sàng, thay đổi công thức máu, tổn thương trên X-quang phổi để định hướng căn nguyên vi khuẩn và từ đó lựa chọn kháng sinh thích hợp. Theo dõi đáp ứng lâm sàng, X-quang để thay đổi kháng sinh thích hợp.

Việc điều trị triệu chứng và dự phòng các biến chứng cũng rất quan trọng: dùng thuốc hạ sốt, long đờm, giãn cơ trơn phế quản, bổ sung nước và điện giải…

Lời khuyên của thầy thuốc

Một trong những biện pháp chủ yếu để dự phòng nhiễm khuẩn đường hô hấp đó chính là thay đổi những thói quen và cải thiện môi trường sống, làm việc: không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia, tránh tiếp xúc với khói bụi, vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, vệ sinh răng miệng sạch sẽ. Bên cạnh đó, cần thực hiện chế độ ăn uống đầy đủ chất đạm, vitamin, chất khoáng; có chế độ làm việc và nghỉ ngơi hợp lý; rèn luyện thể thao. Đặc biệt, tiêm vắc xin phòng cúm và phòng phế cầu là một trong những biện pháp dự phòng nhiễm khuẩn đường hô hấp có hiệu quả nhất định. Khi có các triệu chứng của nhiễm khuẩn đường hô hấp cần phải đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và điều trị kịp thời, hiệu quả.


Chia sẻ bài viết lên


Tin liên quan