Thứ 2 - Thứ 7 (09am - 10pm)

+84-24-6297-7875

Viêm họng chớ coi thường

Viêm họng là một bệnh thường gặp, ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi; có thể do nhiễm virus hoặc vi khuẩn hoặc các tác nhân kích thích khác. Vậy ứng xử với viêm họng như thế nào cho đúng cách, tránh biến chứng xấu của bệnh…

Những nguyên nhân nào gây viêm họng?

Viêm họng thường liên quan đến các bệnh như cảm lạnh, cảm cúm thông thường và có đến 90% các trường hợp viêm họng là do virus hoặc các tác nhân kích thích khác như không khí ô nhiễm, khói thuốc lá, la hét... Khoảng 10% còn lại là do vi khuẩn (thường gặp là vi khuẩn streptococcal – viêm họng do liên cầu) hoặc các điều kiện y tế khác như: Trào ngược acid dạ dày, các tổn thương phần sau của họng...

Khi bị viêm họng, người bệnh thường có các triệu chứng như: Ho hoặc hắt hơi, đau đầu, đau họng (nhất là khi nuốt), sổ mũi hoặc ngạt mũi, mệt mỏi, sốt, đỏ và sưng hạch hai bên cuống họng, khàn tiếng hoặc viêm thanh quản...

Viêm họng chớ coi thường

Dùng thuốc như thế nào?

Nếu viêm họng do virus sẽ khỏi trong khoảng từ 7 – 10 ngày. Có thể dùng thuốc hoặc các biện pháp không dùng thuốc để làm giảm các triệu chứng của viêm họng. Cụ thể:

Dùng thuốc giảm đau, hạ sốt như paracetamol, ibuprofen... sẽ làm giảm các triệu chứng đau và sốt (nếu có) của viêm họng. Các thuốc kháng histamin như loratadin, desloratadin, cetirizine... sẽ giúp giảm tình trạng chảy nước mũi. Sử dụng các thuốc antacid hoặc thuốc ức chế bơm proton với những trường hợp viêm họng do sự  trào ngược của acid dạ dày. Một số loại thuốc nhỏ mũi co mạch sẽ giúp thông mũi trong trường hợp người bệnh bị ngạt mũi... Đây là những thuốc người bệnh có thể mua không cần đơn của bác sĩ, nhưng cần lưu ý: Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng để dùng đúng liều theo khuyến cáo, số lần dùng trong ngày và cách uống thuốc... để dùng thuốc được an toàn và mang lại hiệu quả nhất.

Ngoài ra, có thể súc miệng nước muối ấm, ăn các loại thức ăn mềm, lỏng (tránh gây kích thích cổ họng); uống nhiều nước hoặc các loại chất lỏng giúp cho cổ họng được thông suốt (điều này giúp cho cổ họng được bôi trơn và ngăn ngừa tình trạng mất nước), nhưng tránh uống nước cam hoặc các loại nước trái cây có tính acid; tránh ăn các món chiên, nướng, cay, thức uống có cồn; hạn chế nói để giảm tổn thương cho họng; cần nghỉ ngơi nhiều, ngủ đủ giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng...

Nếu dùng các biện pháp trên 1 tuần không thấy đỡ, người bệnh cần đi khám để có điều trị thích hợp hơn. Đối với những người có bệnh tăng huyết áp, tim mạch, phụ nữ mang thai không được tự ý dùng các thuốc trên.

Viêm họng chớ coi thường

Vi khuẩn Streptococcal gây viêm họng, gây biến chứng nguy hiểm.

Trong trường hợp viêm họng do vi khuẩn (viêm họng do liên cầu) cần phải dùng kháng sinh để điều trị. Vì vậy, khi có các dấu hiệu: Đau họng, nuốt thức ăn rất khó khăn; sốt cao; nổi hạch ở cổ, amidan đỏ và sưng; khó thở… đối với trẻ em còn có các triệu chứng như đau bụng, nôn, phát ban đỏ… người bệnh cần đi khám để xác định xem có nhiễm vi khuẩn hay không để được dùng kháng sinh thích hợp.

Một số thuốc kháng sinh có thể dùng như penicillin, erythromycin... trong 5-10 ngày (tùy trường hợp cụ thể). Thuốc kháng sinh không chỉ có tác dụng diệt vi khuẩn mà còn có tác dụng ngăn ngừa các biến chứng của viêm họng do liên cầu gây nên như: Thấp khớp, viêm thận...

Người bệnh cần uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ và tái khám (nếu có). Không được tự ý bỏ thuốc khi thấy giảm các triệu chứng của viêm họng. Vì việc bỏ thuốc giữa chừng sẽ làm cho các triệu chứng của bệnh có thể quay trở lại và gây kháng thuốc. Bất lợi thường gặp khi dùng kháng sinh là tiêu chảy, nên có thể sử dụng thêm các thuốc chống tiêu chảy để giảm thiểu các tác dụng phụ nêu trên.

Phòng ngừa như thế nào?

Tránh tiếp xúc với người bệnh), thường xuyên rửa tay bằng xà phòng (cách tốt nhất để ngăn ngừa sự lây lan của mầm bệnh), che miệng khi ho hoặc hắt hơi, tránh dùng chung các dụng cụ ăn uống với người bệnh. Ngoài ra, cần tránh các tác nhân gây kích thích như khói, bụi, thuốc lá..

BS. Ngọc Bích(suckhoedoisong.vn)


Chia sẻ bài viết lên


Tin liên quan