Thứ 2 - Thứ 7 (09am - 10pm)

+84-24-6297-7875

Nguy cơ đột quỵ khi thời tiết thay đổi nóng, lạnh đột ngột

Đầu tiên phải nói đến thời tiết nắng nóng, sự bài tiết mồ hôi nhiều nên dễ mất nước nhiều quá còn có thể dẫn đến hiện tượng cô đặc máu dễ tăng nguy cơ đột quỵ cấp.

Đột quỵ mùa nắng nóng

Người cao tuổi dễ bị stress và gặp nhiều vấn đề sức khỏe do nhiệt độ tăng cao hơn người trẻ tuổi vì nhiều lý do: giảm khả năng thích nghi hoặc điều hòa cơ thể khi nhiệt độ đột ngột thay đổi; tình trạng bệnh lý mạn tính có thể tiến triển nặng lên khi thay đổi nhiệt độ môi trường ảnh hưởng đến cơ thể người cao tuổi.

Cơ thể dễ bị tổn thương vì nóng

Theo ghi nhận tại BV Nguyễn Trãi (năm 2019), vào những ngày cao điểm nắng nóng, bệnh nhân cao tuổi nhập viện vì nhiều vấn đề sức khỏe do nắng nóng, chiếm gần hết số giường thực kê tại các khoa trong bệnh viện, thậm chí có nhiều ngày bệnh viện phải kê thêm giường để đảm bảo mỗi người bệnh một giường. Tháng 6 - 7 - 8, số lượng bệnh có thể tăng lên 800 - 900 bệnh nhân nội trú/ngày, trong khi những tháng dịu mát hơn, con số này có thể khoảng 500 - 700.

Khi nhiệt độ tăng cao vào những tháng ngày mùa hè nóng bức, người cao tuổi sẽ hay gặp các bệnh về đường hô hấp như viêm họng, viêm mũi xoang, viêm phổi. Thay đổi nhiệt độ đột ngột vì “tắm giải nhiệt” có thể gây sốc nhiệt ở người lớn tuổi, một trong các triệu chứng thường gặp là đau đầu do co thắt mạch máu não.

Thời tiết nắng nóng, sự bài tiết mồ hôi nhiều nên dễ mất nước nhiều quá nên có thể dẫn đến hiện tượng cô đặc máu dễ tăng nguy cơ đột quỵ cấp. Ngoài ra, mồ hôi tăng tiết, người lớn tuổi còn gặp các vấn đề về da như dị ứng, nổi sẩn đỏ, vùng kẽ tay hay vùng nách - bẹn dễ mắc các bệnh nấm da…

Ngoài ra nguy cơ đột quỵ tăng lên tới 30% vào mùa lạnh so với các thời điểm khác - đó là kết quả nghiên cứu được thống kê, kiểm chứng và đăng trên Tạp chí Dịch tễ học châu Âu.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng: nhiệt độ thay đổi lạnh đột ngột khiến nguy cơ máu đông và tắc nghẽn động mạch tăng cao, nhiệt độ cứ giảm khoảng 2,9 độ C ngoài trời trong khoảng thời gian 24h có thể tăng nguy cơ đột quỵ lên cao.

 Đột quỵ khi trời lạnh đột ngột

Cơ chế gây tăng tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do đột quỵ não khi tiếp xúc lạnh:

- Nhiệt độ lạnh kích hoạt thần kinh giao cảm làm tăng huyết áp, nhịp tim, tăng nhu cầu oxygen và số lượng tiểu cầu dẫn đến nguy cơ vỡ mạch não và tắc mạch (Hong et al., 2012; Keatinge et al., 1984)
- Nhiệt độ lạnh làm tuyến thượng thận tăng tiết catecholamin làm co thắt mạch máu ngoại biên, tăng huyết áp, nếu thành mạch máu đã bị xơ vữa sẽ làm nó kém đàn hồi, khi áp suất tăng, tăng kháng trở, nó sẽ dễ vỡ và gây xuất huyết não
- Khi trời lạnh mọi người có 2 xu hướng sau đều có thể làm tăng khả năng bị đột quỵ: ít hoạt động - làm ứ trệ tuần hoàn, dễ hình thành cục máu đông gây tắc mạch não dẫn đến nhồi máu não và ngược lại hoạt động nhiều ngoài trời làm tăng huyết áp trong tình trạng mạch máu bị co thắt do lạnh dễ làm vỡ mạch máu gây xuất huyết não

* Các phòng ngừa TBMMN khi thời tiết thay đổi đột ngột:

  • Không để cho cơ thể tiếp xúc nóng, lạnh đột ngột hay ở trong môi trường nóng, lạnh quá lâu: sinh hoạt và ngủ trong phòng ấm áp, sáng thức giấc phải khởi động cơ thể ngay trên giường trước khi rời giường, từ từ bỏ chăn mền ra; mặc ấm khi ra khỏi phòng, khỏi nhà; tắm nước ấm và tắm sớm không nên tắm về đêm. Nếu không bận việc gì có thì không nên dậy quá sớm, đặc biệt người có bệnh tăng huyết áp, tim mạch.
  • Hoạt động thể lực: không quá thụ động hay hoạt động quá sức
  • Không uống rượu mạnh nhằm làm ấm cơ thể (vì rượu vào máu ngăn tiết mồ hôi, kích thích làm tăng huyết áp, rượu cũng làm tăng khả năng xuất huyết nói chung)
  • Dùng thuốc đều đặn theo chỉ định nếu có tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn lipid máu, hạn chế ăn mặn muối.
  • Sinh hoạt, làm việc điều độ, giữ tinh thần thư thái.
  • Nên khám bác sĩ chuyên khoa thần kinh ngay khi phát hiện những triệu chứng đột quỵ như đã nêu

 


Chia sẻ bài viết lên


Tin liên quan