Phòng bệnh viêm khớp dạng thấp như thế nào?
Viêm khớp dạng thấp thường khởi phát với các triệu chứng sưng đau và nóng khớp. Bệnh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, các khớp có thể bị biến dạng hoặc phá huỷ dẫn đến mất khả năng vận động, thậm chí tàn phế. Trong bài viết dưới đây chúng tôi sẽ giúp bạn đọc tìm hiểu về cách phòng bệnh viêm khớp dạng thấp.
Phòng bệnh viêm khớp dạng thấp như thế nào?
Viêm khớp dạng thấp là gì?
Viêm khớp dạng thấp chính là bệnh lý viêm khớp tự miễn mãn tính, do tổn thương xuất phát từ màng hoạt dịch của khớp. Bệnh phổ biến ở nữ hơn, thường độ tuổi trung niên, đi kèm với các dấu hiệu lâm sàng, cận lâm sàng rõ ràng.
Bệnh tự miễn này xảy ra khi hệ thống miễn dịch, vốn có nhiệm vụ bảo vệ cơ thể chống lại sự tấn công của vi khuẩn, virus, gặp trục trặc và tấn công các mô lành trong cơ thể. Hậu quả là gây ra viêm màng hoạt dịch, khiến cho các khớp trở nên sưng, nóng, đỏ và đau. Người bệnh có nguy cơ bị tàn phế và tổn thương nhiều cơ quan khác, chẳng hạn như tim, mắt, phổi, da, mạch máu…
Ai có nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp?
Những người càng có nhiều yếu tố nguy cơ dưới đây thì càng dễ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp:
-Giới tính: Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn gấp 2-3 lần so với nam giới, nhưng nam giới thường gặp phải các triệu chứng nặng hơn.
-Tuổi tác: Tình trạng viêm có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng thường khởi phát ở tuổi trung niên.
-Di truyền: Nếu một thành viên trong gia đình bạn bị viêm khớp dạng thấp, bạn sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh.
-Hút thuốc lá: Hút thuốc dù là chủ động hay thụ động, đều khiến bạn dễ mắc bệnh, đặc biệt nếu bạn có tiền sử gia đình bị bệnh.
-Tiếp xúc với chất độc hại: Một số chất phơi nhiễm như amiăng hoặc silica đã được chứng minh làm tăng nguy cơ phát triển bệnh.
-Thừa cân, béo phì: Những người có chỉ số BMI ở ngưỡng thừa cân hoặc béo phì, đặc biệt là phụ nữ từ 55 tuổi trở xuống có nguy cơ mắc bệnh lý nguy hiểm này cao hơn.
Xem thêm
Chẩn đoán và điều trị thoái hoá khớp gối
Cảnh báo: Thoái hoá khớp ở người trẻ
Phòng bệnh viêm khớp dạng thấp như thế nào?
Bỏ thuốc lá
Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, hút thuốc lá làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp. Theo đó, những người mắc bệnh tăng 1,3 – 2,4 lần. Không chỉ vậy, hút thuốc lá còn khiến các triệu chứng của bệnh tiến triển nhanh hơn.
Duy trì cân nặng hợp lý
Những người thừa cân sẽ có khả năng tiến triển viêm khớp dạng thấp cao hơn. Chính vì thế, để phòng bệnh, cần giữ cân nặng ổn định bằng cách:
-Tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh: Tăng cường ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau trong thực đơn. Ưu tiên protein từ cá, gà thay vì ăn nhiều thịt đỏ. Tránh thức ăn nhiều đường, muối và chất béo không tốt.
-Tập thể dục đều đặn: Kết hợp các bài tập sức mạnh như squat, tennis, cầu lông…với những bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, bơi lội, đạp xe…Tập luyện sức mạnh làm giảm đáng kể sự mất xương, một biến chứng nghiêm trọng của căn bệnh viêm khớp dạng thấp, đồng thời giúp giảm đau và cứng khớp. Bạn cũng lưu ý tránh các bài tập có tác động mạnh trong giai đoạn bùng phát (những cơn đau khớp trở nên dữ dội) để hạn chế bệnh tiến triển trầm trọng hơn.
Tập thể dục đều đặn sẽ giúp phòng bệnh viêm khớp dạng thấp
Hạn chế tiếp xúc với các chất ô nhiễm môi trường
Theo các nghiên cứu, tiếp xúc với một số chất ô nhiễm môi trường có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp. Chính vì thế, nếu môi trường làm việc bắt buộc phải tiếp xúc với các hoá chất nguy hiểm này, hãy mặc đồ bảo hộ đúng cách.
Khám và điều trị kịp thời
Khi có bất kỳ triệu chứng nào của viêm khớp dạng thấp, cần đi khám càng sớm càng tốt. Việc điều trị sớm và tích cực sẽ giúp trì hoãn các tác dụng phụ của bệnh, cũng như giảm nguy cơ phát triển những tổn thương khớp nghiêm trọng sau này.
Viêm khớp dạng thấp hoàn toàn có thể phòng ngừa được nếu bạn hạn chế thấp nhất các yếu tố nguy cơ gây bệnh. Hãy đi khám bệnh định kỳ, có chế độ ăn uống sinh hoạt lành mạnh, tập thể dục thường xuyên sẽ giúp bạn hạn chế bệnh tật.