Thứ 2 - Thứ 7 (09am - 10pm)

+84-24-6297-7875

Bệnh mạch vành và cách điều trị hiệu quả

Bệnh mạch vành là một trong những căn nguyên gây tử vong hàng đầu ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Bệnh mạch vành nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng tim mạch vô cùng nguy hiểm. Trong bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ cùng bạn đọc tìm hiểu về cách điều trị bệnh mạch vành hiệu quả.

Bệnh mạch vành và cách điều trị hiệu quả-1

Bệnh mạch vành và cách điều trị

Bệnh mạch vành và cách điều trị hiệu quả

Các phương pháp điều trị bệnh mạch vành gồm có dùng thuốc, nong mạch vành đặt stent, phẫu thuật bắc cầu động mạch vành và tái thông mạch bằng sóng xung kích.

Thuốc điều trị bệnh mạch vành

Sử dụng thuốc chính là giải pháp đầu tiên được lựa chọn khi người có triệu chứng. Dựa theo mục đích sử dụng, các thuốc điều trị bệnh mạch vành được chia thành các nhóm:

-Thuốc chống đau thắt ngực

Các thuốc thuộc nhóm giảm đau thắt ngực bao gồm thuốc chẹn beta, nitrat hoặc chẹn kênh canxi.

Thông thường bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng thuốc chẹn beta và chẹn kênh canxi trước. Sau đó nếu người bệnh đáp ứng kém với thuốc thì bác sĩ có thể kê thêm các thuốc khác cũng có tác dụng giảm đau thắt ngực như nicorandil, trimetazidine, ivabradine.

-Thuốc phòng ngừa biến cố tim mạch

Các thuốc này bao gồm thuốc kháng kết tập tiểu cầu, thuốc hạ mỡ máu, thuốc giúp ức chế men chuyển và thuốc ức chế thụ thể angiotensin.

-Thuốc điều trị các bệnh lý mắc kèm

Đái tháo đường, tăng huyết áp là những nguyên nhân hàng đầu gây ra tổn thương cho mạch máu, tạo điều kiện cho mảng xơ vữa hình thành. Những bệnh lý này thường mắc cùng với bệnh mạch vành, làm cho tình trạng xơ vữa mạch vành xấu hơn. Chính vì thế, người bệnh cần được kiểm soát đồng thời cả đường máu và huyết áp.

Điều trị bệnh mạch vành bằng phương pháp không xâm lấn

Sóng xung kích hay shockwave là phương pháp điều trị bệnh mạch vành không xâm lấn. Phương pháp này được chỉ định cho:

-Người mắc bệnh mạch vành không thể điều trị bằng phẫu thuật mạch cầu hay can thiệp thủ thuật khác.

-Người bệnh mạch vành có kèm theo triệu chứng đau ngực dai đẳng sau khi đã tái thông động mạch vành hay phẫu thuật bắc cầu.

Xem thêm: Bệnh mạch vành có chữa khỏi được không?

Can thiệp, phẫu thuật điều trị bệnh mạch vành

Trường hợp bệnh mạch vành tiến triển nặng, sử dụng thuốc điều trị không đủ để kiểm soát bệnh. Khi đó, người bệnh sẽ được yêu cầu can thiệp ngoại khoa. Thường dùng nhất là nong mạch vành và đặt stent.

-Nong mạch vành và đặt stent

Nong mạch vành và đặt stent là phương pháp can thiệp động mạch vành qua da giúp mở rộng mạch vành ít xâm lấn. Một trái bóng nhỏ sẽ được luồn qua động mạch, chẹn vào ngay chỗ chít hẹp. Tiếp theo bóng được bơm phồng để nong rộng mạch vành. Cuối cùng, người bệnh được đặt thêm giá đỡ nhỏ dạng lưới (stent) nhằm giảm tỷ lệ mảng xơ vữa phát triển trở lại.

-Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành (CABG)

Một động mạch hay tĩnh mạch từ phần khác của cơ thể người bệnh sẽ được lấy ra, nối vòng qua phần mạch máu bị tắc nghẽn nhằm cải thiện lưu lượng máu đến tim, giảm đau thắt ngực và ngăn ngừa đau tim. Theo đó, phương pháp này được thực hiện khi: bị tổn thương mạch vành nặng; hẹp ở nhiều nhánh; hẹp vị trí ngã ba hoặc tại mạch máu quá nhiều không thể đặt stent được; bị tiểu đường.

Phẫu thuật bắc cầu mạch vành có thể giúp cải thiện lưu lượng máu về tim ngay lập tức. Tuy nhiên, về lâu dài thì người bệnh vẫn cần điều trị bằng thuốc kết hợp với thay đổi lối sống để ngăn ngừa xơ vữa mạch vành phát triển ở các vị trí khác hoặc ngay trên chính các đoạn mạch đã được sử dụng làm cầu nối.

Các phương pháp duy trì kết quả điều trị bệnh mạch vành

Bệnh mạch vành và cách điều trị hiệu quả-2

Lối sống lành mạnh giúp cải thiện bệnh mạch vành hiệu quả

Lối sống lành mạnh không những giúp cải thiện bệnh mạch vành mà còn ngăn ngừa nhiều bệnh tật khác. Riêng với bệnh mạch vành, một số trường hợp bệnh nhẹ chưa gây biến chứng thì chỉ cần người bệnh thay đổi lối sống là đã điều trị được.

-Ăn uống lành mạnh

Chế độ ăn uống lành mạnh giúp người bệnh luôn duy trì được cân nặng trong mức cho phép, đồng thời hạn chế lượng cholesterol có hại trong máu. Những lưu ý trong chế độ ăn như sau: ăn nhiều chất xơ từ rau củ, trải cây; ăn giảm đường, muối; lựa chọn các sản phẩm chứa tinh bột tốt như lấy tinh bột từ các loại hạt còn nguyên vỏ như gạo lứt, bánh mì đen, yến mạch…; chọn nguồn đạm nạc và nguồn gốc thực vật; không uống rượu bia, nước giải khát; tránh ăn chất béo từ mỡ động vật.

-Vận động thể lực thường xuyên

Người bệnh nên tập thể dục 30-60 phút mỗi ngày với hoạt động nhẹ nhàng như đạp xe, đi bộ, bơi lội, yoga…Cần lưu ý không nên tập luyện quá sức, nên tập với cường độ và mức độ vừa phải.

-Bỏ thuốc lá và chất kích thích

Hàm lượng nicotine trong thuốc lá cao làm tăng quá trình oxy hoá gây tổn thương mạch máu. Các loại chất kích thích như bia, rượu khi lạm dụng quá nhiều cũng có thể gây ngộ độc và ảnh hưởng lên hệ thần kinh.

-Giảm căng thẳng trong cuộc sống

Tránh căng thẳng, biết cách thư giãn nhẹ nhàng là điều rất quan trọng để cải thiện sức khoẻ và phòng ngừa biến chứng. Bạn có thể thư giãn bằng cách như nghe nhạc, đọc sách, ngồi thiền, yoga…

Có rất nhiều phương pháp điều trị bệnh mạch vành, mỗi phương pháp sẽ phù hợp tuỳ vào tình trạng bệnh của mỗi người. Tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, kết hợp lối sống lành mạnh tập luyện thường xuyên sẽ giúp kiểm soát tình hình bệnh một cách hiệu quả nhất.

Xem thêm: Phòng ngừa đột quỵ nhờ các thực phẩm rẻ tiền


Chia sẻ bài viết lên


Tin liên quan