Những điều cần biết về tăng huyết áp để tránh đột quỵ

22/11/2021
1019

Tăng huyết áp nếu không được điều trị có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như đột quỵ não nhồi máu cơ tim, suy thận, suy tim…thậm chí đe doạ đến tính mạng. Theo thống kê của WHO cứ 3 người trưởng thành thì có 1 người bị tăng huyết áp. Việc tìm hiểu đầy đủ thông tin về tăng huyết áp sẽ giúp bạn ngăn chặn được các nguy cơ gây bệnh và có phương pháp điều trị bệnh tốt nhất.

Những điều cần biết về tăng huyết áp để tránh đột quỵ

Tăng huyết áp là gì?

Tăng huyết áp là tình trạng áp lực của máu tác động lên thành động mạch tăng cao hơn mức bình thường trong thời gian dài.

Chỉ số huyết áp bao gồm:

-Chỉ số huyết áp tâm thu (chỉ số lớn) thể hiện áp lực thành mạch khi cơ tim co bóp.

-Chỉ số huyết áp tâm trương (chỉ số nhỏ) thể hiện áp lực của dòng máu lên thành mạch máu khi cơ tim giãn.

Bạn có thể bị huyết áp tâm thu, tâm trương hoặc tăng cả hai chỉ số. Tăng huyết áp tâm trương đơn độc hay gặp ở người trẻ, còn tăng huyết áp tâm thu đơn độc lại hay gặp ở người cao tuổi.

Chỉ số huyết áp bao nhiêu là cao?

Theo hướng dẫn của Chương trình Phòng chống Tăng huyết áp quốc gia, chỉ số huyết áp tâm thu là 130-139mmHg, huyết áp tâm trương là 85-89mmHg được coi là bình thường cao. Nếu huyết áp tâm thu từ 140mmHg trở lên và huyết áp tâm trương từ 90 mmHg trở lên thì được coi là tăng huyết áp.

Theo đó:

-Trường hợp chỉ có huyết áp tâm thu tăng cao (140mmHg) được gọi là tăng huyết áp tâm thu đơn độc.

-Trường hợp chỉ có huyết áp tâm trương tăng cao (90mmHg) được gọi là tăng huyết áp tâm trương đơn độc.

Bên cạnh đó, chỉ số huyết áp có thể thay đổi theo độ tuổi. Huyết áp bình thường ở người trẻ tuổi thường thấp hơn người cao tuổi.

Nguyên nhân nào gây tăng huyết áp

Tăng huyết áp có thể xuất phát từ các bệnh lý về thận (như hẹp động mạch thận, viêm cầu thận, thận đa nang…), bệnh tim mạch (như hẹp eo động mạch chủ, Takayasu…), bệnh lý vỏ thận, cường giáp, hội chứng Crohn…

Tuy nhiên, chỉ khoảng 10% trường hợp bị tăng huyết áp xác định được chính xác do nguyên nhân kể trên – gọi là tăng huyết áp thứ phát. Còn 90% không tìm ra nguyên nhân – gọi là tăng huyết áp nguyên phát hay tăng huyết áp vô căn.

Ai có nguy cơ cao bị tăng huyết áp

Nếu bạn có 1 hoặc nhiều yếu tố nguy cơ gây tăng huyết áp dưới đây, khả năng bạn bị cao huyết áp sẽ tăng lên:

-Tuổi cao: Tuổi càng cao thì bạn càng dễ bị tăng huyết áp, đặc biệt là tăng huyết áp tâm thu.

-Di truyền: Bạn sẽ dễ mắc cao huyết áp hơn nếu trong gia đình có người bị cao huyết áp.

-Thừa cân, béo phì: Những người béo phì có nguy cơ bị huyết áp cao gấp 2 đến 6 lần so với những người có cân nặng khoẻ mạnh.

-Hút thuốc lá: Thuốc lá chứa nhiều hoạt chất gây co mạch. Theo đó, khi mạch bị co, huyết áp cũng sẽ tăng lên.

-Chế độ ăn nhiều muối: Người ăn mặn thường có chỉ số huyết áp tăng cao hơn những người ăn nhạt. Điều này là do muối có thể khiến cơ thể bạn giữ nước, gây tăng áp lực trong lòng mạch.

-Ít tập thể dục: Những người ngồi nhiều, ngồi quá lâu có thể tăng nguy cơ béo phì và tăng huyết áp.

-Căng thẳng: Một số nghiên cứu cho thấy khi căng thẳng, áp lực động mạch có thể tăng lên 30-40%.

-Mang thai: Sự thay đổi của nội tiết tố vào nửa sau của thai kỳ cũng khiến phụ nữ dễ bị tăng huyết áp.

Xem thêm

Tăng huyết áp: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Tìm hiểu về tăng huyết áp vô căn

Tăng huyết áp có nguy hiểm không?

Tăng huyết áp – kẻ giết người thầm lặng

Tăng huyết áp được coi là “kẻ giết người thầm lặng”. Bệnh không gây triệu chứng nhưng lại có thể dẫn tới những tổn thương động mạch và tĩnh mạch, làm giảm lưu lượng máu đi khắp cơ thể, gây đau tim, đột quỵ, suy tim cùng nhiều biến chứng khác trên thận, não, mắt…

-Đau tim, đột quỵ: Huyết áp cao gây xơ cứng và dày thành động mạch, dẫn đến nguy cơ đau tim, đột quỵ hay các biến chứng khác.

-Suy tim: Khi bơm máu ra tuần hoàn, tim phải làm việc nhiều hơn để thắng áp lực cao trong lòng mạch. Chính điều này làm cho cơ tim dày lên. Lâu ngày cơ tim dày lên khiến tim khó bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể, từ đó dẫn đến suy tim.

Các phương pháp điều trị tăng huyết áp

Tăng huyết áp là bệnh lý mãn tính nên cần được theo dõi thường xuyên và điều trị lâu dài. Mục tiêu là đạt “huyết áp mục tiêu” và giảm tối đa “nguy cơ tim mạch”. Theo đó, huyết áp mục tiêu tối thiểu mà người bệnh và bác sĩ hướng tới là < 140/90 mmHg. Nếu nguy cơ tim mạch từ cao đến rất cao thì con số này cần thấp hơn < 130/80 mmHg.

Tuỳ theo mức huyết áp, nguyên nhân và tình trạng sức khoẻ mà mỗi người bệnh sẽ được điều trị với phác đồ riêng.

Thuốc điều trị tăng huyết áp

Các nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp bao gồm:

-Thuốc chẹn beta: Nebivolol, Metoprolol…

-Thuốc lợi tiểu: Chlorothiazide, Furosemide…

-Thuốc ức chế men chuyển: Captopril, Enalapril

-Thuốc chẹn kênh canxi: Amlodipin, Diltiazem

-Thuốc ức chế thụ thể angiotensin II: Valsartan, Losartan

-Thuốc tác động lên hệ thần kinh trung ương: Methyldopa, Reserpin…

Lưu ý về lối sống dành cho người cao huyết áp

Các hướng dẫn điều trị đều khuyến cáo những người bị tăng huyết áp nên tăng cường tập luyện thể dục ít nhất 5 ngày một tuần. Mỗi tuần 150 phút tập với cường độ vừa phải, tập thể dục nhịp điệu hoặc 75 phút tập thể dục cường độ cao. Một số hoạt động phù hợp với người bệnh là đi bộ, chạy bộ, đạp xe hoặc bơi lội.

Bên cạnh đó, người cao huyết áp cũng nên tránh hoặc học cách kiểm soát căng thẳng. Thiền, tắm nước ấm, yoga hay đi bộ là những kỹ thuật thư giãn có thể giúp giảm căng thẳng hiệu quả, góp phần kiểm soát huyết áp tốt hơn.

Trên đây là những thông tin về bệnh tăng huyết áp. Hy vọng bài viết đã mang đến thông tin hữu ích giúp người bệnh phòng ngừa huyết áp cao, cũng như ổn định huyết áp hiệu quả.

 

Hỏi & Đáp