TOP 6 yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch
Theo tổ chức Y tế thế giới, hàng năm có đến hơn 17 triệu người tử vong vì bệnh tim mạch. Con số này cho thấy mức độ phổ biến của các bệnh lý về tim, trong đó thường gặp nhất là cao huyết áp, bệnh mạch vành, đột quỵ não. Việc hiểu rõ các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch sẽ giúp phòng tránh bệnh hiệu quả.
6 Yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch
Các yếu tố nguy cơ tim mạch bao gồm các yếu tố không thể thay đổi được như tuổi tác, giới tính, di truyền…Các yếu có thể thay đổi được như tăng huyết áp, đái tháo đường, hút thuốc lá, béo phì, lối sống căng thẳng và nhiều yếu tố nguy cơ khác. Theo thống kê, có khoảng 90% các biến cố tim mạch như nhồi máu cơ tim cấp hay tai biến mạch máu não đều liên quan đến các yếu tố nguy cơ chính.
Tuy nhiên, càng nhiều các yếu tố nguy cơ thì khả năng mắc bệnh tim mạch càng cao. Ngược lại, một người không có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào cũng không thể chắc chắn mình sẽ không mắc bệnh.
6 Yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch
Dưới đây là 6 yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch.
Hút thuốc lá
Đã có hàng loạt các bằng chứng về việc hút thuốc lá làm thay đổi các chỉ điểm sinh học của phản hứng viêm huyết khối và các chỉ điểm cận lâm sàng của xơ vữa động mạch.
Các bằng chứng này cho thấy rõ mối liên quan giữa hút thuốc lá và cơ chế của bệnh xơ vữa động mạch. Hút thuốc lá làm tăng gấp 2 lần nguy cơ bệnh tim mạch. Đặc biệt, tác hại của hút thuốc lá thụ động cũng đã được chứng minh một cách chắc chắn. Nguy cơ bị bệnh tim mạch tăng lên gấp 1,2 đến 1,6 lần ở những người hút thuốc lá thụ động.
Tăng huyết áp
Các nghiên cứu quan sát và thực nghiệm đã tìm ra mối liên qaun giữa tăng huyết áp và các biến cố tim mạch. Giảm huyết áp, chủ yếu là huyết áp tâm thu sẽ làm giảm đáng kể biến cố mạch máu và tử vong ở những người chưa có biến cố mạch máu. Mối liên quan giữa nguy cơ bệnh tim mạch, bệnh lý động mạch vành và huyết áp đã được tìm thấy ở rất nhiều quần thể dân cư khác nhau.
Xem thêm: Bệnh mạch vành có chữa khỏi được không?
Béo phì
Thừa cân béo phì là tình trạng liên quan đến mất cân bằng giữa năng lượng hấp thu và năng lượng tiêu thụ. Các yếu tố văn hoá, môi trường, hoạt động thể lực là yếu tố quyết định mạnh mẽ đến sự gia tăng liên tục tỷ lệ béo phì.
Mô mỡ là mô có hoạt động chuyển hoá, có thể giải phóng một loạt các chất trung gian, giúp kiểm soát cân nặng, cân bằng nội môi và kiểm soát tình trạng kháng insulin. Một điểm quan trọng là nó có ảnh hưởng đến phản ứng viêm và dây truyền đông máu, điều này dẫn đến hậu quả rối loạn chức năng nội mạc và xơ vữa mạch máu. Chính vì thế, không có gì ngạc nhiên khi béo phì có liên quan mạnh mẽ với đái tháo đường, tăng nguy cơ bệnh tim mạch và tăng tỷ lệ tử vong.
Đái tháo đường
Đái tháo đường là một trong những yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch
Đái tháo đường làm tăng nguy cơ bệnh động mạch vành nên gấp 2,4 lần ở nam và 5,1 lần ở nữ. Đồng thời, đái tháo đường cũng thúc đẩy hình thành mảng xơ vữa sớm ở lứa tuổi trẻ và ở phụ nữ trước tuổi mãn kinh. Tỷ lệ biến cố tim mạch ở bệnh nhân tiểu đường tương đương với tỷ lệ này ở bệnh nhân có bệnh mạch vành và không bị tiểu đường. Rối loạn chuyển hoá glucose với các mức độ đều có liên quan với bệnh lý tim mạch.
Do vậy, không ngạc nhiên khi biến cố tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở bệnh nhân đái tháo đường. Các bằng chứng từ các thử nghiệm lâm sàng cho thấy, tỷ lệ mắc đái tháo đường có thể giảm tới một nửa nhờ việc phối hợp các biện pháp can thiệp, bao gồm thay đổi lối sống và chế độ ăn.
Lối sống tĩnh tại
Các bằng chứng cho thấy, việc chuyển từ lối sống tĩnh tại sang lối sống có nhiều hoạt động thể lực sẽ giúp làm giảm 20-35% nguy cơ tim mạch và tử vong chung. Theo đó, hoạt động thể lực giúp đem lại lợi ích cả về sức khoẻ thể chất và tinh thần, giúp dự phòng đái tháo đường, một số loại ung thư và loãng xương. Hoạt động thể lực cũng có thể ngăn ngừa bệnh lý tim mạch một cách gián tiếp thông qua cải thiện các yếu tố nguy cơ khác.
Rượu
Mối quan hệ giữa lượng rượu tiêu thụ và nguy cơ bệnh động mạch vành rất phức tạp. Có mối quan hệ rõ ràng giữa tăng tỷ lệ tử vong do đột quỵ với tăng lượng rượu tiêu thụ. Nghiên cứu cho thấy, tiêu thụ rượu từ 2.5 – 14.9g/ngày sẽ giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch từ 14-35%, giúp giảm tỷ lệ mắc và tử vong do bệnh động mạch vành, đột quỵ não.
Khám sức khoẻ định kỳ, kiểm soát các yếu tố nguy cơ, thực hiện lối sống lành mạnh, vui vẻ sẽ giúp cải thiện sức khoẻ tim mạch và phòng bệnh tim mạch hiệu quả.