Viêm gan B và thai kỳ

22/12/2021
1023

Viêm gan B là bệnh nhiễm trùng do virus tấn công gan và có thể gây ra viêm gan cấp và mạn tính, có thể dẫn đến xơ gan, ung thư gan. Ước tính trên thế giới có khoảng 240 triệu người đang bị nhiễm virus viêm gan B mạn tính. Hơn 686.000 người chết mỗi năm do biến chứng của bệnh viêm gan B, bao gồm cả xơ gan và ung thư gan (WHO, 2016).

Viêm gan B và thai kỳ

Viêm gan B và thai kỳ

Việc chẩn đoán viêm gan B tập trung vào việc phát hiện kháng nguyên bề mặt viêm gan B – kháng nguyên HbsAg. Nhiễm trùng cấp tính HBV được đặc trưng bởi sự hiện diện HbsAg và kháng thể IgM với kháng nguyên lõi, IgM-HbcAg. Trong giai đoạn đầu của bệnh, bệnh nhân cũng có huyết thanh dương tính với kháng nguyên e của virus (HbeAg). HbeAg thường là dấu hiệu của sự nhân rộng của virus. Sự hiện diện của HbeAg chỉ ra rằng máu và chất dịch cơ thể của người bị nhiễm bệnh là rất dễ lây.

Nhiễm mạn tính được đặc trưng bởi sự tồn tại của HbsAg trong ít nhất 6 tháng. Sự tồn tại lâu dài HbsAg là điểm dự báo chính nguy cơ phát triển bệnh gan mạn tính và ung thư gan sau này trong cuộc sống.

Viêm gan virus cấp tính là nguyên nhân phổ biến của vàng da trong thai kỳ. Các nguyên nhân khác bao gồm: gan nhiễm mỡ cấp tính của thai kỳ, ứ mật trong gan của thai kỳ.

Hầu hết mọi người thường không gặp bất kỳ triệu chứng nào trong giai đoạn nhiễm trùng cấp tính. Tuy nhiên, một số người có bệnh cấp tính với các triệu chứng kéo dài vài tuần như vàng mắt – vàng da, nước tiểu đậm màu, buồn nôn, mệt mỏi, nôn và đau bụng. Một số ít bệnh nhân viêm gan cấp tính có thể tiến triển thành suy gan cấp tính và có thể dẫn đến tử vong.

Nhiễm HBV cấp trong thai kỳ thường không nghiêm trọng và không liên quan đến tăng tỷ lệ tử vong. Do đó, nhiễm HBV trong thai kỳ không cần phải cân nhắc đình chỉ thai nghén. Tuy nhiên, đã có những báo cáo tăng tỷ lệ nhẹ cân khi sinh và đẻ non ở trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HBV cấp. Hơn nữa, nhiễm HBV cấp tính xảy ra sớm trong thai kỳ có liên quan đến tỷ lệ lây truyền chu sinh 10%. Tỷ lệ lây truyền tăng đáng kể nếu nhiễm trùng cấp tính xảy ra ở lúc sinh hoặc gần lúc sinh, với tỷ lệ được báo cáo lên tới 60%.

Điều trị chủ yếu là hỗ trợ, không có điều trị đặc hiệu cho bệnh viêm gan B cấp; mục đích là nhằm duy trì sự thoải mái và cân bằng dinh dưỡng, bao gồm bù dịch mất do nôn và tiêu chảy. Theo đó, cần theo dõi xét nghiệm sinh hoá gan và thời gian prothombin. Điều trị kháng virus thường là không cần thiết, ngoại trừ ở những phụ nữ có suy gan cấp tính hoặc viêm gan nặng dai dẳng. Trong tình huống này, có thể chọn lựa tenofovir, lamivudine, telbividine.

Xem thêm: 

Viêm gan B mạn tính có lây không?

Chẩn đoán và điều trị viêm gan B

Ảnh hưởng của viêm gan B mạn tính trên thai kỳ

 

Ảnh hưởng của viêm gan B mạn tính trên thai kỳ

Phụ nữ nhiễm viêm gan mạn tính thường dung nạp tốt khi mang thai nếu không kèm bệnh gan tiến triển. Tuy nhiên, có thể xuất hiện đợt bùng phát viêm gan. Theo đó, nên xét nghiệm sinh hoá gan 3 tháng/lần khi mang thai và 6 tháng/lần sau khi sinh. Có thể xét nghiệm HBV DNA đồng thời hoặc khi có ALT tăng.

Tác động của viêm gan B lên kết cục của thai kỳ vẫn chưa được xác định rõ.

Một nghiên cứu lớn so sánh 824 phụ nữ HbsAg dương tính với 6.281 người có HbsAg âm tính: không thấy khác biệt về tuổi thai lúc sinh, tỷ lệ sinh non, trọng lượng lúc sinh, vàng da sơ sinh, dị tật bẩm sinh và tỷ lệ tử vong chu sinh.

Trái lại, đã có những mô tả về mối liên quan có thể giữa HBV mạn tính và đái tháo đường thai nghén, tăng nguy cơ sinh non, trọng lượng lúc sinh thấp hơn và xuất huyết trước sinh. Tuy nhiên, dữ liệu bị trộn và mâu thuẫn với cường độ của mối liên quan này là không rõ ràng.

Ảnh hưởng của thai kỳ trên bệnh gan

Những thay đổi miễn dịch, chuyển hóa và huyết động xảy ra trong khi mang thai có khả năng làm xấu đi hoặc làm lộ rõ bệnh gan nền. Việc đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh gan có thể khó khăn trong quá trình mang thai do những thay đổi sinh lý bình thường có thể lẫn với các biểu hiện lâm sàng của bệnh gan mạn tính. Đặc biệt, albumin huyết thanh và hematocrit thường giảm, trong khi phosphatase kiềm và alpha fetoprotein tăng. Tương tự như vậy, khám thực thể có thể thấy những biểu hiện gợi ý đặc trưng bệnh gan mạn tính như: bàn tay son, phù chi dưới và sao mạch.

Bệnh nhân xơ gan tiến triển ít khi có thai, vì những bệnh nhân này thường giảm khả năng sinh sản do chu kỳ kinh nguyệt không rụng trứng. Phụ nữ xơ gan giai đoạn đầu dễ có thai hơn. Điều quan trọng là phải xác định và theo dõi những bệnh nhân này, vì họ có nguy cơ đáng kể bị các biến chứng chu sinh và kết cục xấu cho mẹ và thai nhi, bao gồm: tăng huyết áp thai kỳ, nhau bong non, chảy máu do phình tĩnh mạch, xơ gan mất bù, thai chậm tăng trưởng trong tử cung, nhiễm trùng trong tử cung, sinh non và thai lưu.

 

Trên đây là những thông tin về ảnh hưởng của viêm gan B trong thai kỳ. Phụ nữ đang trong thai kỳ và bị nhiễm viêm gan B cần đọc và lưu ý.

Hỏi & Đáp