Xơ vữa mạch có chữa khỏi được không?

06/06/2024
144

Xơ vữa mạch có chữa khỏi được không chắc chắn đang là mối quan tâm hàng đầu của người bệnh khi mắc phải căn bệnh này. Trong bài viết dưới đây, chúng ta hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn về nội dung này.

Xơ vữa mạch chính là quá trình thoái hoá của động mạch. Quá trình này được bắt đầu ngay từ khi còn trẻ, tiến triền theo suốt đời sống của con người, gây nên hẹp dần động mạch. Tình trạng này nếu không được can thiệp kịp thời sẽ khiến động mạch bị tắc hoàn toàn dẫn đến nhồi máu cơ tim, đột quỵ, hay hoại tử chi dưới…

1.Mảng xơ vữa được hình thành như thế nào?

Quá trình xơ vữa là một quá trình tự nhiên, diễn ra âm thầm mỗi ngày bên trong động mạch. Chúng ta không thể triệt tiêu hẳn quá trình này. Mà chỉ có thể làm giảm tốc độ hình thành mảng xơ vữa, từ đó làm giảm nguy cơ vỡ màng xơ vữa gây nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận…

Các chuyên gia cho biết, thủ phạm chính gây xơ vữa động mạch là do khối LDL cholesterol (LDL-C-hay còn gọi là mỡ xấu) tích tụ và lắng đọng trong thành động mạch, dưới lớp tế bào nội mạc.

Khối LDL-C là khối cầu, chuyên chở các chất không tan được trong nước như cholesterol, triglyceride…đến tận từng tế bào. Trong quá trình lưu hành trong máu, gặp những chỗ có tổn thương nội mạc, khối LDL-C này tích tụ vào chỗ đó, rồi dần dần bị ép bởi huyết áp và lấn sau vào thành mạch.

 Khi khối mỡ xấu này xâm nhập bạch cầu được báo động. Bạch cầu sẽ tiết ra rất nhiều men để tiêu hoá khối mỡ xấu này. Từ đó bạch cầu phồng lên rất to, giống như bọt xà phòng.

Điều đặc biệt là, bạch cầu không thể tiêu hoá khối mỡ xấu này. Đến khi chết, bạch cầu bị vỡ ra, vừa giải phóng khối mỡ xấu còn nguyên vẹn, vừa giải phóng nhiều chất hoá học để gọi đồng đội đến tiếp viện. Bạch cầu mới đến, tiếp tục thực bào khối mỡ xấu, tiết ra nhiều men tiêu hoá, nhưng vẫn không thể tiêu hoá nổi, rồi chết.

Quá trình này được diễn ra liên tục, từ đó mảng xơ vữa được hình thành, dày lên theo thời gian, đội lớp tế bào nội mạc, ép hẹp lòng mạch máu. Nếu mảng xơ vữa hình thành nhanh, lớp tế bào nội mạch phủ phía trên bị mỏng dần đi, đến lúc mảng xơ vữa bị vỡ miệng ra.

Và chính chỗ vỡ đó sẽ kích hoạt quá trình đông máu, tạo thành cục máu trắng, sau đó là cục máu đỏ. Từ đó gây tắc mạch hoàn toàn, tế bào không có máu để nuôi sẽ hoại tử ồ ạt.

Đó là cơ chế của nhồi máu. Có thể là nhồi máu não, nhồi máu cơ tim, nhồi máu thận…

Xem thêm

Thiếu máu cơ tim và những điều cần biết

Phòng ngừa căn đau thắt ngực hiệu quả

2.Xơ vữa mạch có chữa khỏi được không?

Các bác sĩ nhấn mạnh, chúng ta không thể ngăn chặn hoàn toàn quá trình xơ vữa động mạch. Bởi lẽ, tuổi càng cao, quá trình xơ vữa càng nhanh, mạnh hơn và từ đó càng dễ bị nhồi máu hơn. Ngoài yếu tố tuổi tác thì còn các yếu tố nguy cơ khác không thể thay đổi được như: tiền sử bản thân đã phát hiện 1 động mạch trong cơ thể bị tắc do tai biến mạch máu não, nhồi máu não, nhồi máu cơ tim….; tiền sử trong gia đình có người bị đột tử trước 55 tuổi, nghi ngờ do tim.

Ngoài ra, còn các yếu tố nguy cơ có thể kiểm soát được như: thuốc lá, tăng huyết áp, đái tháo đường, chế độ ăn không cân đối, ít vận động, tinh thần căng thẳng…

3.Điều trị xơ vữa mạch như thế nào?

Để điều trị xơ vữa mạch, có thể bao gồm dùng thuốc, phẫu thuật và thay đổi lối sống

*Dùng thuốc

Các loại thuốc có thể sử dụng để điều trị chứng xơ vữa động mạch, bao gồm:

-Thuốc chống kết tập tiểu cầu nhằm giảm khả năng kết dính của các tiểu cầu trong máu, gây ra cục máu đông.

-Thuốc chống đông máu giúp giảm khả năng đông máu, làm loãng máu.

-Thuốc giảm cholesterol để làm giảm chất béo trong máu, đặc biệt là cholesterol lipid trọng thấp (LDL).

-Thuốc hạ huyết áp: Một số nhóm thuốc hoạt động theo những cách khác nhau để giảm huyết áp.

*Nong mạch vành

Nong mạch vành chính là thủ thuật được sử dụng để khôi phục lưu lượng máu của động mạch vành bị tắc nghẽn hoặc hẹp do xơ vữa.

Bản chất của nong động mạch vành chính là thủ thuật được can thiệp qua da, bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo trong suốt quá trình can thiệp. Bác sĩ sẽ tiếp cận vào hệ thống động mạch vành thông qua động mạch quay ở cổ tay hay động mạch đùi dưới nếp bẹn.

Từ đó, một ống thông dẫn đường sẽ đi trước và đi vào lỗ động mạch vành trái và phải. Một lượng thuốc cản quang được bơm vào ống thông sẽ giúp bác sĩ dễ dàng quan sát thấy đoạn động mạch bị tắc hẹp. Nếu như tình trạng tắc hẹp khu trú và chỉ xảy ra ở đoạn gần, bác sĩ sẽ đưa bóng vào vị trí đoạn động mạch bị hẹp, sau đó bơm hơi với mức áp lực phù hợp.

Sau khi bóng căng lên, mảng xơ vữa sẽ bị ép sát vào thành mạch. Lúc này, bác sĩ sẽ đưa stent vào và bung ra ở vị trí này. Bản chất của stent là một giá đỡ bằng kim loại, giúp duy trì khả năng tái lưu thông của dòng máu vừa được giải phóng lâu dài.

*Phẫu thuật bắc cầu động mạch vành

Đây là phương pháp mổ bắc cầu trên những động mạch vành bị hẹp nặng hoặc tắc nhưng không phù hợp đặt stent. Với phương pháp này, bác sĩ sẽ sử dụng một đoạn ống ghép tĩnh mạch hoặc động mạch làm “cầu nối” đến phía sau đoạn động mạch vành bị hẹp. Có thể dùng đoạn tĩnh mạch hiển ở chân, động mạch quay hay động mạch vú bên trong thành ngực để làm đoạn mạch ghép.

*Thay đổi lối sống

Sống lành mạnh là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng giúp ngăn chặn sự tích tụ mảng bám gây xơ vữa động mạch. Các bước để có một lối sống lành mạnh bao gồm:

-Chọn thực phẩm tốt cho tim mạch: như chế độ ăn uống DASH. Một kế hoạch ăn uống lành mạnh cho tim bao gồm ưu tiên trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, rau củ và hạn chế chất béo bão hoà, muối, đường.

-Hoạt động thể chất thường xuyên: Giúp kiểm soát các yếu tố nguy cơ như cholesterol trong máu cao, thừa cân béo phì, tăng huyết áp. Người trưởng thành nên tham gia tổng cộng 150 phút trở nên mỗi tuần với các hoạt động thể chất vừa phải hoặc 75 phút mỗi tuần đối với những hoạt động thể chất mạnh mẽ. Đặc biệt, trước khi bắt đầu bất kỳ chương trình tập thể dục nào, hãy hỏi bác sĩ mức độ hoạt động thể chất phù hợp với bản thân.

-Duy trì cân nặng mức hợp lý: Việc kiểm soát cân nặng giúp người bệnh có thể kiểm soát một số yếu tố nguy cơ gây bệnh mạch vành, chẳng hạn như cholesterol trong máu cao, bệnh đái tháo đường, huyết áp cao.

-Hạn chế sử dụng rượu bia: Nam giới không nên uống quá 2 ly rượu/ngày; phụ nữ không nên uống quá 1 ly/ngày.

-Không hút thuốc và tránh khói thuốc: Hút thuốc chính là một trong những yếu tố ngy cơ gây xơ vữa động mạch.

-Kiểm soát căng thẳng: Học cách kiểm soát căng thẳng, tập thư giãn, cải thiện sức khoẻ tinh thần, thể chất.

-Ngủ đủ giấc: Người trưởng thành nên ngủ đủ 7-9 tiếng/ngày, ngủ sâu giấc giúp phòng ngừa xơ vữa động mạch và các bệnh tim mạch.

Chắc chắn với những nội dung trên đây đã giúp bạn trả lời câu hỏi “Xơ vữa mạch có chữa khỏi được không?. Người bệnh xơ vữa mạch cần tuân thủ điều trị của bác sĩ, tái khám theo lịch để phòng ngừa nhồi máu cơ tim, đột quỵ não.

 

Hỏi & Đáp