Thứ 2 - Thứ 7 (09am - 10pm)

+84-24-6297-7875

Điều trị bệnh viêm gan B theo phác đồ quy định

Hiện nay bệnh viêm gan B ngày càng xảy ra khá phổ biến trong cộng đồng. Đây là bệnh rất nguy hiểm nếu để virus tự do phát triển trong cơ thể.

Bệnh do nhiễm virus viêm gan B HBV (hepatitis B virus), lây truyền dễ dàng qua đường máu và đường tình dục. Hiện nay, các bác sĩ sử dụng phác đồ điều trị viêm gan B của Bộ Y tế quy định. Nếu bệnh nhân không điều trị triệt để sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe kể cả tính mạng.

Biểu hiện và biến chứng của bệnh

Khi bị nhiễm virus viêm gan B, người bệnh sẽ có những biểu hiện bệnh lý với các triệu chứng thường gặp như: cảm thấy mệt mỏi, buồn nôn, ăn có cảm giác không ngon miệng, hay chóng mặt, có dấu hiệu vàng da, bị sốt cao, đau phần bụng bên phải, đi tiểu nước tiểu có màu vàng đậm, người ngứa rát, ổ bụng gan sưng to...

Với các biểu hiện triệu chứng đã nêu trên, việc chẩn đoán xác định bệnh phải căn cứ vào các kết quả xét nghiệm như thử men gan và kiểm tra các chỉ số sinh học của gan. Trên cơ sở này, thực hiện việc điều trị bệnh viêm gan B phù hợp theo quy định của Bộ Y tế.

Khi mắc bệnh viêm gan B, nếu không được phát hiện, chẩn đoán xác định và điều trị kịp thời, bệnh nhân sẽ bị những biến chứng nghiêm trọng thường gặp như: teo gan cấp tính, hoại tử gan, hôn mê gan, viêm gan cấp tính; làm chậm quá trình đông máu, suy giảm chức năng gan nhất là ở những phụ nữ mang thai; bị xơ gan, thậm chí là ung thư gan.

Điều trị bệnh viêm gan B-1

Theo các nhà khoa học, có thể khẳng định rằng bệnh viêm gan B thật sự khá nguy hiểm, có thể bị lây nhiễm nhanh chóng và dễ dàng. Vì vậy trường hợp nghi ngờ cơ thể có biểu hiện của triệu chứng bệnh lý viêm gan B, cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám, phát hiện, chẩn đoán xác định để điều trị kịp thời theo phác đồ quy định.

Mục đích của việc điều trị đúng phác đồ

Mục đích thực hiện phác đồ điều trị viêm gan B theo quy định của Bộ Y tế nhằm hạn chế sự lan rộng của virus viêm gan B ở trong máu, làm suy giảm mức độ tiết enzyme và những triệu chứng của bệnh; vấn đề này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc ngăn ngừa khả năng gây xơ gan và ung thư gan. Đồng thời nhằm loại bỏ hoàn toàn số lượng virus viêm gan B trong cơ thể mà trước đó các phương pháp điều trị nội khoa chưa giải quyết được.

Việc điều trị viêm gan B theo phác đồ quy định được thực hành qua 4 vấn đề: điều trị bệnh bằng thuốc với 2 nhóm chính là thuốc kháng virus viêm gan B và thuốc hạn chế miễn dịch; thuốc kháng virus viêm gan B có tác dụng tiêu diệt số lượng virus đang sinh trưởng và phát triển trong cơ thể, còn thuốc hạn chế miễn dịch có tác dụng vào khả năng đề kháng của virus đó để ức chế, bổ trợ cho quá trình tiêu diệt và loại bỏ virút viêm gan B.

Viêm gan B thật sự khá nguy hiểm, có thể bị lây nhiễm nhanh chóng và dễ dàng

Điều trị bằng liệu pháp tự thân truyền ngược với cơ chế tận dụng khả năng của chính hệ miễn dịch cơ thể con người để tấn công virus gây bệnh, hạn chế virus tái phát triển trở lại; đây là phương pháp nhằm nâng cao sức đề kháng của cơ thể bằng các loại thuốc bổ gan, tăng khả năng hoạt động của gan một cách hiệu quả và tự nhiên. Điều trị xung mạch tần số thấp là một phương pháp trong quy trình điều trị viêm gan B theo phác đồ quy định vì xung mạch tần số thấp sẽ tăng cường tác dụng của thuốc lên nhiều lần, khởi động các phản ứng kích thích miễn dịch qua vỏ bảo vệ virus; từ đó sẽ phá hủy cấu trúc hoạt động bên trong nhân của virút, tạo ra những kháng nguyên và cuối cùng tiêu diệt hoàn toàn virus.

Điều trị virus viêm gan B bằng tế bào gốc cũng là một phương pháp được quy định, liệu pháp này rất mới và hiệu quả cũng rất tốt; các bệnh nhân sau khi thực hiện phương pháp này đều có kết quả điều trị khả quan và đây là cách chữa trị bảo đảm an toàn, tỷ lệ bệnh nhân bị biến chứng rất thấp; đồng thời cần kết hợp với việc ăn uống đầy đủ dưỡng chất, vận động điều độ cơ thể sẽ nhanh chóng bình phục.

Điều cần lưu ý là bác sĩ phải chẩn đoán chính xác mức độ bệnh lý cũng như thể trạng của người bệnh để chỉ định sử dụng các loại thuốc điều trị phù hợp.

Phác đồ điều trị viêm gan B bắt buộc

Đối với người bệnh viêm gan B mạn tính, việc chỉ định điều trị được thực hiện khi có đầy đủ các yếu tố tùy theo từng trường hợp.

Trường hợp 1, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm:

- HBsAg dương tính,

- HBeAg dương tính, định lượng HBV-DNA trên 10^5 copies/ml,

- Men gan cao gấp 2 lần bình thường kèm theo các triệu chứng lâm sàng như mệt mỏi, vàng da, rối loạn tiêu hóa, đau tức hạ sườn... Trường hợp 2, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm:

- HBsAg dương tính,

- HBeAg âm tính, định lượng HBV-DNA trên 10^4 copies/ml.

- Men gan cao gấp 2 lần và đã có triệu chứng lâm sàng cả bệnh.

Mục tiêu điều trị là phải ức chế được sự phát triển của virus, làm giảm nồng độ virus trong máu, giảm các triệu chứng của bệnh, hạ men gan và điều quan trọng là phải ngăn chặn nguy cơ dẫn đến biến chứng xơ gan, ung thư gan.

Tuy nhiên trên thực tế, tùy theo độ tuổi, thể trạng mà người bệnh sẽ được chỉ định phác đồ điều trị phù hợp.

Khi bệnh nhân vừa mới được phát hiện bệnh nhưng chưa từng điều trị bằng thuốc kháng virus HBV: có thể lựa chọn một trong hai nhóm thuốc gồm: thuốc tiêm Peg-interferon alfa 2a tiêm dưới da bụng với liều 180µg mỗi tuần trong 48 tuần; thuốc được ưu tiên dùng cho phụ nữ trẻ muốn có con, nồng độ virus HBV-DNA dưới 10^7 copies/ml hoặc do bệnh nhân yêu cầu. Thuốc uống Entecavir (ENT) với liều 5mg mỗi ngày, Tenofovir (TDF) liều 300mg mỗi ngày; đây là hai loại thuốc được ưu tiên hàng đầu do tỷ lệ kháng thuốc thấp; thuốc Lamivudine (LAM) với liều 100mg mỗi ngày, Telbivudine (LdT) với liều 600mg mỗi ngày, Adefovir (ADV) với liều 10mg mỗi ngày. Về thời gian điều trị, nếu bệnh nhân có kết quả xét nghiệm HBeAg dương tính phải dùng thuốc kéo dài ít nhất 12 tháng, ngưng thuốc khi HBV-DNA dưới 10^4 copies/ml và xuất hiện HBeAg âm tính hoặc xuất hiện anti-Hbe; nếu bệnh nhân có kết quả xét nghiệm HBeAg âm tính thì thời gian điều trị sẽ khó xác định hơn vì ngừng thuốc rất dễ bị tái phát nên có thể kéo dài cho đến khi mất HBsAg.

Điều trị bệnh viêm gan B-2

Việc chẩn đoán xác định bệnh phải căn cứ vào các kết quả xét nghiệm như thử men gan...

Khi bệnh nhân đã điều trị bằng thuốc kháng virus nhưng không đáp ứng: nếu người bệnh đã dùng thuốc Adefovir 10mg/ngày hoặc Lamivudine 100mg/ngày nhưng không đáp ứng, có nghĩa là sau 6 tháng điều trị bằng Lamivudine nồng độ HBV-DNA vẫn trên 10^3 copies/ml hoặc sau 1 năm điều trị bằng Adefovir, nồng độ HBV-DNA vẫn trên 10^6 copies/ml hay nồng độ virus không thay đổi hoặc tăng trên 10 lần so với trước khi uống thuốc; trường hợp này có thể được chỉ định điều trị Lamivudine kết hợp với Tenofovir.

Lời khuyên của thầy thuốc

Cần lưu ý bên cạnh việc điều trị bằng thuốc, bệnh nhân cũng được chỉ định đi khám bệnh định kỳ khoảng 3 đến 6 tháng một lần, hạn chế tối đa sử dụng thuốc chuyển hóa tại gan, kiêng cử hoàn toàn rượu bia, có chế độ nghỉ ngơi hợp lý, tránh lao động nặng; thực hiện chế độ dinh dưỡng cân bằng, khoa học; hạn chế các loại thức ăn khó tiêu hóa, nhiều dầu mỡ, tăng cường ăn rau xanh, hoa quả có nhiều vitamin C, vitamin E.

Khi bệnh nhân đã có biến chứng xơ gan còn bù: nếu nồng độ HBV-DNA trên ngưỡng phát hiện có thể chỉ định điều trị bằng thuốc tiêm Peg-interferon alfa 2a hoặc Interferon alfa cổ điển liều 5ml mỗi ngày hoặc 10ml mỗi lần, tiêm mỗi tuần 3 lần và tiêm trong thời gian từ 6 đến 12 tháng. Nếu dùng thuốc uống, điều trị bằng thuốc Entecavir, Tenofovir với liều lượng như đã nêu ở trên.

Khi bệnh nhân có biến chứng xơ gan mất bù: cần chống chỉ định điều trị bằng các loại thuốc tiêm, chỉ áp dụng phác đồ điều trị bằng các loại thuốc uống Entecavir, Tenofovir; nên điều chỉnh liều lượng khi độ thanh thải creatinin dưới 50ml/phút.

Khi bệnh nhân là trẻ em trên 12 tuổi: phác đồ điều trị viêm gan B quy định là sử dụng thuốc Lamivudine với liều 3mg mỗi ngày, không được dùng quá 100mg mỗi ngày hoặc thuốc tiêm Interferon alfa 2a không vượt quá 10ml mỗi lần tiêm và điều trị 3 lần mỗi tuần.

Khi bệnh nhân là phụ nữ đang điều trị bằng thuốc uống và có thai: nên tiếp tục điều trị bằng các loại thuốc cho phép như Tenofovir, Telbivudine. Không khuyến cáo dùng tiếp Adefovir, Lamivudine, Entecavir. Chống chỉ định dùng các loại thuốc tiêm cho phụ nữ có thai.

Khi bệnh nhân có men gan tăng gấp trên 10 lần bình thường, nồng độ HBV-DNA trên 10^6 copies/ml, có tiền sử gia đình liên quan đến virus viêm gan B:nếu người bệnh nhân chấp nhận tuân thủ việc điều trị lâu dài, cần cân nhắc áp dụng thuốc kháng virus. Nên xem xét sinh thiết gan, đo mức độ tổn thương gan hoặc thực hiện các xét nghiệm đánh giá mức độ xơ hóa để quyết định phác đồ điều trị viêm gan B chuẩn nhất.

Như trên đã nêu, viêm gan B là bệnh khá phổ biến trong cộng đồng hiện nay với sự lây nhiễm qua đường máu, cũng như qua đường tình dục. Vì vậy khi có các biểu hiện triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh, cần đi khám để chẩn đoán xác định bệnh sớm nhằm có chỉ định điều trị kịp thời, phù hợp theo phác đồ quy định tùy từng trường hợp bệnh lý. Bệnh được điều trị bằng thuốc trong thời gian dài, do đó phải có sự giám sát, theo dõi của bác sĩ để bảo đảm hiệu quả và an toàn; chủ động ngăn ngừa nguy cơ biến chứng dẫn đến tình trạng xơ gan và ung thư gan.

BS. NGUYỄN TRÂM ANH (suckhoedoisong.vn)


Chia sẻ bài viết lên


Tin liên quan