Điều trị tăng huyết áp cấp cứu

23/01/2022
1025

Tăng huyết áp là bệnh lý lâm sàng thường gặp, và là yếu tố nguy cơ quan trọng của bệnh lý mạch vành, mạch máu não. Cơn tăng huyết áp chính là khi huyết áp tăng lên nhanh chóng và nghiêm trọng, có thể gặp ở 1-3% những bệnh nhân tăng huyết áp mạn tính. Gồm 2 thể lâm sàng: cơn tăng huyết áp cấp cứu và tăng huyết áp khẩn trương.

Tăng huyết áp cấp cứu và những điều cần biết

Cơn tăng huyết áp cấp cứu là gì?

Tăng huyết áp cấp cứu là tăng huyết áp nghiêm trọng (khi đó huyết áp tâm thu ≥ 180mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 120mmHg), có kèm theo tổn thương cơ quan đích mới xuất hiện hoặc nặng hơn.

Tổn thương cơ quan đích thường gặp là: Bệnh não tăng huyết áp, đột quỵ thiếu máu não, xuất huyết nội sọ, đột quỵ thiếu máu não, suy thất trái cấp tính kèm phù phổi, nhồi máu cơ tim cấp, đau ngực không ổn định, suy thận cấp, đau ngực không ổn định và sản giật.

Tăng huyết áp khẩn trương

Tăng huyết áp khẩn trương là tình huống lâm sàng có huyết áp tăng cao kịch phát (huyết áp tâm thu ≥ 180mmHg hoặc huyết áp tâm trương ≥ 120mmHg), nhưng không có bằng chứng tổn thương cơ quan đích. Bệnh thường gặp ở những người bệnh không tuân thủ điều trị, hoặc ngưng thuốc hạ áp đang dùng.

Điều trị tăng huyết áp khẩn trương thường là dùng thuốc uống và hạ huyết áp từ từ trong 24-48 giờ. Theo đó, huyết áp cần được hạ từ từ vì hiện không có bằng chứng về lợi ích trong việc hạ nhanh huyết áp ở những bệnh nhân không có dấu hiệu tổn thương cơ quan đích mà ngược lại hạ huyết áp mạnh, đột ngột có thể gây tổn thương cơ quan đích.

Một điều lưu ý là không được dùng thuốc gây hạ huyết áp mạnh, đột ngột có thể gây tổn thương đáng kể do giảm tưới máu. Trong thực hành lâm sàng, việc dùng thuốc nifedipine nhỏ dưới lưỡi để hạ áp trong tăng huyết áp khẩn trương đã không còn được khuyến cáo vì có thể gây hạ huyết áp nhanh, nghiêm trọng, có thể khởi phát các biến cố thiếu máu não, thiếu máu cơ tim.

Xem thêm:

Những điều cần biết về tăng huyết áp để tránh đột quỵ

Tìm hiểu về tăng huyết áp vô căn

Điều trị tăng huyết áp cấp cứu

Điều trị tăng huyết áp cấp cứu

Mục tiêu trong điều trị tăng huyết áp cấp cứu là hạ huyết áp tâm thu không quá 25% trong khoảng 1 giờ đầu, và nếu ổn định thì giảm xuống 160/100mmHg trong 2-6 giờ tiếp theo và thận trọng hạ huyết áp về bình thường sau 24-48 giờ. Đặc biệt, với một số trường hợp có chỉ định riêng biệt (bệnh nhân lóc tách động mạch chủ – huyết áp tâm thu cần hạ xuống <120mmHg trong giờ đầu, bệnh nhân bị tiền sản giật, sản giật hay bệnh nhân có cơn tăng huyết áp do u tuỷ thượng thận – huyết áp tâm thu cần giảm xuống < 140mmHg trong giờ đầu.

Việc xác định các cơ quan đích bị tổn thương và các can thiệp điều trị đặc biệt khác ngoài việc hạ áp, xác định các yếu tố làm tình trạng tăng huyết áp nặng thêm như lo lắng, đau, sử dụng thuốc kích thích như amphetamine, cocaine…là rất cần thiết.

Những người bệnh tăng huyết áp cấp cứu ngoài việc cần điều trị ngay lập tức thì cần chẩn đoán tìm nguyên nhân thứ phát gây tăng huyết áp.

Thuốc lý tưởng trong việc điều trị tăng huyết áp là phải khởi phát nhanh, hiệu lực mạnh, hồi phục nhanh chóng, không gây nhịp nhanh, ít tác dụng phụ.

Một số thuốc truyền tĩnh mạch thường được dùng hiện nay như Sodium nitrorusside, nitroglycerine, nicardipine, labetalol, hydralazine…

Tóm lại, tăng huyết áp cấp cứu chính là tình trạng cần được hạ áp ngay lập tức và sử dụng những loại thuốc phù hợp với từng bệnh cảnh lâm sàng, theo sự chỉ định của bác sĩ nhằm giảm tối thiểu các biến chứng nặng, và đe doạ tính mạng. Trường hợp huyết áp của bệnh nhân ≥180/120mmHg và có các triệu chứng liên quan đến tổn thương cơ quan đích như khó thở, đau ngực, suy giảm ý thức, tê bì/yếu liệt chi, nhìn mờ, nói khó, buồn nôn hoặc nôn, đó được coi là tình trạng tăng huyết áp cấp cứu và cần gọi cấp cứu ngay để có thể nhận được sự chăm sóc y tế kịp thời tránh những tổn thương nghiêm trọng đe doạ tính mạng.

Hỏi & Đáp