Nhiễm khuẩn đường hô hấp là gì? Cách chăm sóc trẻ nhiễm khuẩn đường hô hấp tại nhà
Nhiễm khuẩn đường hô hấp là bệnh lý phổ biến, mắc phải ở nhiều độ tuổi khác nhau và có thể để lại nhiều tác động có hại cho sức khoẻ. Trong bài viết dưới đây, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp và cách chăm sóc trẻ nhiễm khuẩn đường hô hấp tại nhà.
Nhiễm khuẩn đường hô hấp ở trẻ nhỏ
Nhiễm khuẩn đường hô hấp là gì?
Nhiễm khuẩn đường hô hấp là bệnh do vi khuẩn hoặc virus gây nên những tổn thương ở bất cứ vị trí nào của đường hô hấp như mũi, họng, tai, thanh quản, khí quản, phế quản. Theo WHO, hàng năm trên thế giới có > 4,5 triệu trẻ tử vong vì nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính. Ở Việt Nam, nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính là bệnh đứng đầu về tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong.
Nhiễm khuẩn đường hô hấp ở trẻ em được chia thành 2 loại:
-Viêm hô hấp trên: Bao gồm viêm nhiễm vùng tai – mũi – họng, thường do virus, nếu chăm sóc tốt thì đa số trẻ sẽ tự khỏi.
-Viêm hô hấp dưới: Bao gồm viêm tiểu phế quản, viêm phổi…Trong đó, viêm phổi chính là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em dưới 5 tuổi. Chính vì thế, cần được phát hiện sớm bệnh viêm phổi để điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm.
Dấu hiệu trẻ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp
Các dấu hiệu thông thường của trẻ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp gồm có:
-Sốt trên 37.5 độ
-Trẻ biếng ăn hoặc ít bú
-Trẻ mệt mỏi và hay quấy khóc, da trở nên xanh hơn
-Trẻ bị ho và có kèm theo các dấu hiệu khác như chảy mũi, thở khò khè, thậm chí tiêu chảy.
Khi bệnh nhiễm khuẩn hô hấp trở nặng, trẻ sẽ có các dấu hiệu nguy hiểm như:
-Trẻ thở nhanh, thở rút lõm lồng ngực.
-Trẻ bỏ bú, bú ít hoặc không ăn uống được.
-Nôn hết tất cả, kể cả nước
-Co giật, tím tái, ngủ li bì hoặc rất khó để đánh thức trẻ
-Trẻ thở bất thường
-Suy dinh dưỡng nặng.
Nên làm gì khi trẻ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp?
Làm gì khi trẻ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp?
Khoảng 90% nhiễm khuẩn đường hô hấp là do virus và đa số có thể tự khỏi nếu điều trị đúng cách. Bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo cha mẹ nên thực hiện theo các hướng dẫn chăm sóc như sau:
-Khi trẻ sốt nhẹ nên cho trẻ nghỉ ngơi, mặc quần áo thoáng mát, uống nhiều nước và ăn những thức ăn dễ tiêu hoá.
-Khi trẻ sốt trên 38,50C, cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ.
-Vệ sinh mũi miệng của trẻ bằng khăn mềm và nước muối 9%.
-Vỗ lưng cho trẻ khi bị ho có đàm, tốt nhất là trước bữa ăn hoặc sớm nhất là 1 giờ sau khi ăn để tránh gây nôn. Thực hiện bằng cách khum bàn tay lại, giữ cho ngón cái ép vào ngón trỏ, vỗ bên trái rồi sang bên phải, khoảng 3-5 phút ở mỗi khu vực.
-Cho trẻ uống đủ nước và chia thành nhiều bữa ăn trong ngày, số lượng ít hơn bình thường và thức ăn mềm dễ tiêu, dễ nuốt, có thể bổ sung rau xanh hay trái cây với trẻ lớn và uống thêm nước hoa quả ép ở trẻ nhỏ; bù nước; cho trẻ bú nhiều lần với trẻ còn bú mẹ.
Xem thêm: 5 loại nhiễm trùng đường hô hấp trên thường gặp
Khi nào cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ?
Bố mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ khi có các biểu hiện như:
-Trẻ sốt cao > 39 độ, sốt kéo dài và không đáp ứng thuốc hạ sốt.
-Ho nhiều, rối loạn nhịp thở, thở khó khăn…
-Bỏ bú, bỏ ăn, nôn nhiều sau ăn
-Rối loạn tri giác: lơ mơ, li bì, co giật.
Đặc biệt, khi trẻ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp, bố mẹ tuyệt đối không tự ýt mua thuốc kháng sinh về cho trẻ uống, bởi kháng sinh có thể không cần thiết cho trẻ nhiễm khuẩn hô hấp mà nguyên nhân do virus. Bên cạnh đó, việc sử dụng kháng sinh không kê đơn có thể gây hậu quả nghiêm trọng do không đúng liều, đường dùng và ngày dùng, dị ứng thuốc, các tác dụng phụ của thuốc và tăng tình trạng đề kháng kháng sinh.
Phòng tránh nhiễm khuẩn đường hô hấp ở trẻ
Để phòng tránh nhiễm khuẩn đường hô hấp cho con, cha mẹ cần thực hiện các biện pháp sau:
-Trẻ cần được tiêm chủng đầy đủ, ít nhất là các mũi tiêm theo chương trình tiêm chủng mở rộng. Ngoài ra, trẻ nên tiêm thêm các mũi phòng tránh nhiễm khuẩn dường hô hấp HIB, phế cầu.
-Nên cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn khi trẻ dưới 6 tháng
-Chế độ dinh dưỡng hợp lý, cân đối, đầy đủ
-Giúp trẻ tránh khỏi nguồn lây bệnh, tránh cho trẻ đến chỗ đông người, nhất là nơi đang có nhiều người bị ho, sốt.
-Vệ sinh cơ thể trẻ, cha mẹ cần rửa tay trước và sau khi chăm sóc trẻ, trước và sau khi chế biến thức ăn cho trẻ.
-Phòng ngủ của trẻ phải sạch sẽ, thoáng mát, tránh để trẻ tiếp xúc với khói thuốc, môi trường ô nhiễm, khói bụi.
-Trẻ cần được giữ ấm khi trời lạnh hay thời tiết thay đổi.
-Cung cấp đủ nước cho cơ thể trẻ.
Nhiễm khuẩn đường hô hấp là bệnh lý phổ biến nhất ở trẻ. Do đó, bố mẹ cần chú ý đến các biểu hiện của bệnh để có cách chăm sóc trẻ thích hợp. Nếu thấy xuất hiện các dấu hiệu bất thường cần đưa trẻ đi khám và điều trị ngay lập tức để giảm các biến chứng gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của trẻ.