Thứ 2 - Thứ 7 (09am - 10pm)

+84-24-6297-7875

Một số thắc mắc liên quan đến tiêm vaccine COVID-19 ở bệnh nhân có bệnh lý xương khớp

Bệnh xương khớp và covid 19

1.Bệnh nhân có bệnh lý cơ xương khớp có nên tiêm vaccine COVID-19 không?

Câu trả lời chung là có. Tuy nhiên, các dữ liệu khoa học về hiệu quả và an toàn của các loại vaccine COVID-19 hiện nay đều dựa trên các nhóm cộng đồng dân cư nói chung, trong khi đối với các nhóm có bệnh lý nền còn hạn chế. Chính vì vậy, với từng trường hợp cụ thể, bệnh nhân và bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp cần phải có sự thảo luận và tư vấn về nguy cơ lây nhiễm SARS – CoV- 2 và sự tiến triển của bệnh lý xương khớp khi tiêm vaccine. Qua đó để đưa ra quyết định cuối cùng về việc tiêm vaccine COVID-19.

2.Bệnh nhân có bệnh lý xương khớp có thuộc nhóm được ưu tiên tiêm vaccine COVID-19 không?

Các nghiên cứu gần đây trên các bệnh nhân bị COVID-19 ở châu Âu và Mỹ cho thấy bệnh nhân cơ xương khớp là nhóm bệnh mạn tính, đặc biệt là những bệnh nhân bị bệnh khớp viêm mạn tính và bệnh khớp tự miễn thuộc nhóm có nguy cơ mắc COVID-19 cao hơn những người bình thường khác (so với cùng giới tính cũng như cùng nhóm lứa tuổi). Hơn nữa, nhóm bệnh nhân bị bệnh khớp tự miễn cũng là nhóm có nguy cơ phải điều trị do mắc COVID-19 tại bệnh viện cao hơn người bình thường.

Chính vì điều đó, các chuyên gia về thấp khớp học và miễn dịch học đều nhất trí cho rằng với các bệnh nhân bị bệnh xương khớp tự miễn cần được ưu tiên tiêm vaccine COVID-19.

3.Khi tiêm vaccine COVID-19, bệnh nhân có bệnh lý xương khớp có nguy cơ gặp các tác dụng phụ nhiều hơn người bình thường khác không?

Hiện nay, không có nhiều các nghiên cứu phân tích, đánh giá về tác dụng phụ do tiêm vaccine COVID-19 trên các nhóm bệnh nhân có bệnh lý nền nói chung, bệnh lý xương khớp nói riêng. Dựa trên các thông tin đã có về khả năng xảy ra tác dụng phụ cũng như dị ứng với các thành phần của các vaccine COVID-19 hiện đã được WHO (Tổ chức Y tế thế giới) phê duyệt, các chuyên gia miễn dịch và thấp khớp cho rằng chưa có đủ bằng chứng để kết luận bệnh nhân có bệnh lý xương khớp có nguy cơ bị tác dụng phụ hay dị ứng do tiêm vaccine COVID-19 cao hơn so với nhóm người bình thường khác.

Chính vì vậy, hiện nay đối với nhóm bệnh nhân xương khớp khi tiêm vaccine COVID-19 không có thêm chống chỉ định nào khác so với người bình thường.

4.Đối với bệnh nhân có bệnh lý xương khớp khi được tiêm vaccine COVID-19, hiệu quả và thời gian bảo vệ có được như người bình thường không?

Một số nghiên cứu gần đây cho thấy rằng hiệu quả và thời gian bảo vệ ở bệnh nhân có bệnh lý xương khớp được tiêm vaccine COVID-19 là tương đương với người bình thường. Tuy nhiên, hiệu quả và thời gian bảo vệ dường như giảm đi một phần ở một số bệnh nhân đang được điều trị bằng các thuốc điều hòa miễn dịch. Đồng thời các nghiên cứu này cũng cho rằng về lý thuyết những bệnh nhân có bệnh lý xương khớp có thể xuất hiện các đợt tiến triển của bệnh sau khi được tiêm vaccine COVID-19. Tuy nhiên, sau khi đánh giá hiệu quả bảo vệ của vaccine COVID-19 cùng với nguy cơ tiến triển của bệnh xương khớp các chuyên gia nhất trí cho rằng hiệu quả bảo vệ của vaccine COVID-19 ở những bệnh nhân có bệnh lý xương khớp là rất đáng kể, thậm chí đối với cả những bệnh nhân bị bệnh khớp tự miễn đang được điều trị bằng các thuốc điều hòa miễn dịch.

5.Sau khi tiêm vaccine COVID-19, bệnh nhân có bệnh lý xương khớp, đặc biệt là bệnh khớp tự miễn có nguy cơ tiến triển bệnh nặng lên không?

Cho đến hiện nay các nghiên cứu chưa tìm thấy bất kỳ bằng chứng rõ ràng nào cho thấy rằng tiêm vaccine COVID-19 (nhất là với các vaccine loại mRNA) sẽ làm tăng nguy cơ bùng phát hoặc tiến triển bệnh nặng lên ở những bệnh nhân có bệnh lý xương khớp nói chung cũng như bệnh khớp tự miễn nói riêng.

6.Tiêm vaccine COVID-19 có ảnh hưởng gì đến các thuốc mà bệnh nhân có bệnh lý xương khớp đang sử dụng không?

Hiện nay có một số  nghiên cứu đánh giá tương tác của vaccine COVID-19 đối với một số thuốc thường được sử dụng trong quá trình điều trị ở bệnh nhân có bệnh lý xương khớp. Các kết quả nghiên cứu cho thấy rằng hầu như không có sự tương tác bất lợi nào.

Xem thêm: 10 Lời khuyên dành cho người cao tuổi phòng chống dịch COVID tại cộng đồng

7.Có sự ưu tiên nào về chọn lựa loại vaccine COVID-19 tiêm cho các bệnh nhân có bệnh lý xương khớp không?

Với kết quả của các nghiên cứu hiện nay chưa thấy bất kỳ bằng chứng về sự vượt trội của một loại vaccine COVID-19 nào ở trên bệnh nhân xương khớp. Vì vậy, chưa có bất kỳ khuyến cáo nào về chọn lựa ưu tiên loại vaccine COVID-19 cho bệnh nhân có bệnh lý xương khớp. Chính vì vậy, họ nên được tiêm loại vaccine nào dễ dàng tiếp cận và sớm nhất có thể.

8.Sau khi tiêm đủ vaccine COVID-19, bệnh nhân có bệnh lý xương khớp có cần phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm SARS – CoV- 2không?

Cho đến nay các nghiên cứu đều cho thấy rằng không có loại vaccine COVID-19 nào đảm bảo chắc chắn 100% người tiêm đủ vaccine sẽ không bị nhiễm virus. Hơn nữa, bệnh nhân bị bệnh khớp tự miễn, đặc biệt là những bệnh đang sử dụng các thuốc các tác dụng điều hòa miễn dịch sẽ có nguy cơ nhiễm SARS – CoV- 2 hơn người bình thường khác. Vì vậy, sau khi tiêm đủ vaccine bệnh nhân vẫn phải tuân thủ đầy đủ các biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm đã được các chuyên gia khuyến cáo.

9.Có cần phải thay đổi liều và thời gian sử dụng các thuốc điều hòa miễn dịch ở bệnh nhân có bệnh lý xương khớp trước và sau khi tiêm vaccine COVID-19?

Trước hết các bệnh nhân có bệnh lý xương khớp cần phải tuân thủ đúng về liều và thời gian tiêm vaccine COVID-19 theo khuyến cáo. Tuy nhiên, chưa nên tiêm cho những bệnh nhân có bệnh lý xương khớp, đặc biệt là bệnh khớp tự miễn đang trong đợt tiến triển từ vừa đến nặng.

Với hầu hết các thuốc sử dụng trong quá trình điều trị bệnh khớp tự miễn không có khuyến cáo nào về việc thay đổi liều dùng của các thuốc này. Có một số thuốc được khuyến cáo lùi sử dụng từ 1 – 2 tuần sau khi tiêm mỗi mũi vaccine COVID-19, tùy thuộc vào tình trạng tiến triển của bệnh khớp tự miễn. Tuy nhiên, việc điều chỉnh này phải do bác sĩ điều trị cho bệnh nhân quyết định.

10.Bệnh nhân có bệnh lý xương khớp có cần thiết phải tiêm vaccine COVID-19 nhắc lại hàng năm không?

Cho đến nay, vẫn chưa có đủ bằng chứng khoa học về việc có hay không phải tiêm nhắc lại vaccine COVID-19, ngay cả đối với người bình thường. Tuy vậy, với đặc điểm của SARS – CoV- 2 là dễ và nhanh biến đổi cũng như với các bằng chứng khoa học hiện có về hiệu lực và thời gian bảo vệ của vaccine COVID-19, các nhà khoa học khuyến cáo nên tiêm nhắc lại hàng năm nếu đủ điều kiện.

                                                                                                Theo benhvien103.vn

 


Chia sẻ bài viết lên


Tin liên quan